60/211 doanh nhân được đề cử đạt danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 6/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.
Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo

Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, để chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, năm nay, VCCI tổ chức một chuỗi nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó, dự kiến ngày 11/10, VCCI sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Điểm nhấn đáng chú ý là Lễ tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cho 60 doanh nhân trong số 211 đề cử từ UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan báo chí. Chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 được VCCI phát động từ tháng 7/2022. Trong đó, chương trình năm nay sẽ vinh danh TOP 10 doanh nhân tiêu biểu nhất của các doanh nghiệp có số tiền nộp ngân sách hàng năm trên 24 nghìn tỷ đồng, có doanh thu trên 140 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94 nghìn lao động trực tiếp. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo quốc gia bình xét Danh hiệu sẽ tuyên dương 6 doanh nhân tiêu biểu đã có thành tích, đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, trong đó có doanh nhân đã cùng doanh nghiệp của mình ủng hộ với trị giá trên 1.200 tỷ đồng.

“60 doanh nhân được tôn vinh đều có quá trình lập nghiệp đáng ngưỡng mộ, thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo vượt khó, tinh thần tự hào dân tộc. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1940 (82 tuổi), người trẻ tuổi nhất sinh năm 1988 (34 tuổi). Có 15 doanh nhân nữ, chiếm 25%. Từ những doanh nhân khởi nghiệp từ những năm đầu đổi mới (thế hệ F1) cho đến những doanh nhân trẻ (thế hệ F2), tất cả đều thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo vượt khó, tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ”, ông Phạm Tấn Công nhận xét.

Chủ tịch Hội đồng bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, Chương trình đã trải qua 8 kỳ tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết số 09/N/TW ngày 9/12/2011, nhưng năm nay là năm đầu tiên có sự đổi mới toàn diện, cả về nội dung, phương thức và tiêu chí bình xét. Đây là năm đầu tiên Chương trình lấy các tiêu chí về đạo đức, văn hóa kinh doanh, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội làm tiêu chí bình xét hàng đầu.

So với các kỳ trước, ông Phòng khẳng định rằng, chất lượng hồ sơ cao hơn. Phần lớn doanh nghiệp đều có hồ sơ kiểm toán đi kèm, thể hiện tính minh bạch và quản trị ngày càng chuyên nghiệp hơn của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc thẩm định, đánh giá hồ sơ có sự tham gia của các chuyên gia của Công ty kiểm toán Deloitte; khảo sát thực tế doanh nghiệp, phỏng vấn, đánh giá trực tiếp các ứng viên do 22 đoàn thẩm định tại 25 tỉnh, thành phố, dẫn đầu bởi các nhà quản lý, các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp. Đồng thời, Ban Thư ký cũng phối hợp với Tổng cục Thuế tiến hành rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do ứng viên lãnh đạo, quản lý; rà soát các thông tin, dư luận phản ánh trên báo chí, trên mạng internet liên quan đến ứng viên và doanh nghiệp.

Biểu trưng của Chương trình năm nay được lấy cảm hứng từ vương miện của vua Hùng, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước và ý chí vươn lên của doanh nhân Việt Nam; biểu tượng cho 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố ngày 19/5/2022, gồm:

(1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội;

(2) Tuân thủ pháp luật;

(3) Minh bạch, công bằng, liêm chính;

(4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển;

(5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường;

(6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Nằm trong chuỗi sự kiện, vào ngày 12/10, VCCI phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới với sự tham dự của gần 150 đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện cộng đồng doanh nhân trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về nội dung và ý nghĩa của Hội thảo khoa học này, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký VCCI cho biết, xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh được Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đạo đức, văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm, là nguồn lực to lớn của mỗi doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các nước có văn hoá kinh doanh cao như: Nhật Bản, Đức, Mỹ… luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng và có giá cả cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp.

Văn hoá kinh doanh có 3 tầng gắn với 3 chủ thể chính là: doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó doanh nhân là chủ thể có vai trò hạt nhân, là cốt lõi để hình thành văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh quốc gia. Do đó, trong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, cần bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân Việt Nam, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng.

Chuyên đề