5 tuyến buýt trợ giá tại Hà Nội: Nhà thầu “đứt gánh giữa đường”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo hợp đồng thực hiện 5 gói thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (DVVTHKCC) bằng xe buýt được trợ giá với Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội, thời gian vận hành 5 tuyến buýt nội đô là 60 tháng, trong đó có gói thầu kéo dài đến năm 2026. Tuy nhiên, Công ty TNHH Bắc Hà - nhà thầu trúng thầu chỉ có thể duy trì hoạt động này đến 1/8/2022, chậm nhất là 15/8/2022. Vậy, sau thời hạn này, nhà thầu nào sẽ đảm nhận việc duy trì 5 tuyến buýt?
Toàn thành phố Hà Nội hiện có 10 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Ảnh: Bích Thủy
Toàn thành phố Hà Nội hiện có 10 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Ảnh: Bích Thủy

Doanh nghiệp vận tải “ngấm đòn” Covid-19

Trao đổi thông tin với Báo Đấu thầu ngày 20/7, ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Sở đang gấp rút triển khai các thủ tục liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà và lựa chọn nhà thầu (LCNT) thay thế theo hình thức chỉ định thầu để tiếp tục duy trì vận hành 5 tuyến buýt số 41, 42, 43, 44, 45. Trước đó, đề xuất của Sở đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận.

Tính từ nay đến thời hạn 1/8/2022, chậm nhất là ngày 15/8/2022 (theo thông báo của Nhà thầu với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (trước là Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị) về khả năng duy trì vận hành 5 tuyến buýt vì nguy cơ vỡ nợ), thời gian còn lại là rất ngắn.

Hiện nay, toàn Thành phố có 10 doanh nghiệp (DN) đang cung cấp DVVTHKCC bằng xe buýt như Tổng công ty Vận tải Hà Nội (13 tuyến), Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến (10 tuyến), Công ty CP Xe khách Hà Nội (4 tuyến), Công ty CP Ô tô khách Hà Tây (2 tuyến), Công ty CP Vận tải thương mại và Du lịch Đông Anh (2 tuyến), Công ty CP Vận tải Newway (1 tuyến), Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh (1 tuyến)… Trong khi đó, 2 năm xảy ra Covid-19 hầu như phải ngừng hoạt động, cộng với biến động tăng “phi mã” của giá cả xăng dầu gần đây đã ảnh hưởng nặng nề tới các DN VTHKCC. Trước bối cảnh đó, vào cuối tháng 6/2022, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội (HAPTA) đã phải gửi văn bản kiến nghị tới UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT TP. Hà Nội “cầu cứu” tháo gỡ khó khăn cho DN VTHKCC như: điều chỉnh kế hoạch sản lượng - doanh thu, tăng tần suất các tuyến…

Để vận hành 5 tuyến buýt, Bắc Hà đang sử dụng hơn 50 xe buýt 60 chỗ DAEWOO với hơn 100 lái xe hạng E và nhân viên phục vụ cùng nhiều trạm sửa chữa, bãi đỗ…

Như vậy, làm sao để chọn được nhà thầu thay thế đủ năng lực, kinh nghiệm tiếp tục duy trì 5 tuyến buýt “đứt gánh giữa đường” là áp lực không nhỏ đối với Sở GTVT và Trung tâm.

Trúng thầu nhờ cạnh tranh thấp

Liên quan đến quá trình LCNT cung cấp DVVTHKCC 5 tuyến buýt nêu trên, vào tháng 3/2019, Công ty TNHH Bắc Hà trúng Gói thầu số 7 Cung cấp DVVTHKCC bằng xe buýt cho tuyến số 43: Công viên Thống Nhất - Thị trấn Đông Anh với giá 94,482 tỷ đồng, giảm 0,6% so với giá gói thầu (doanh thu trong vòng 5 năm, từ ngày 1/4/2019 - 31/3/2024, là 19,534 tỷ đồng và được Thành phố trợ giá 74,948 tỷ đồng).

Một năm sau, trong tháng 3/2020, Công ty TNHH Bắc Hà trúng 2 gói thầu liên tiếp. Cụ thể, Gói thầu số 08 Cung cấp DVVTHKCC bằng xe buýt cho tuyến số 42: Bến xe Giáp Bát - Đức Giang có giá trúng thầu là 73,565 tỷ đồng, giảm 0,08% so với giá gói thầu (doanh thu từ ngày 1/4/2020 - 31/3/2025 là 19,861 tỷ đồng và được trợ giá 53,704 tỷ đồng). Gói thầu số 10 Cung cấp DVVTHKCC bằng xe buýt cho tuyến buýt số 45: Khu đô thị Times City - Nam Thăng Long có giá trúng thầu là 72,172 tỷ đồng, giảm 0,03% so với giá gói thầu (doanh thu từ ngày 1/4/2020 - 31/3/2025 là 22,899 tỷ đồng và được trợ giá 49,273 tỷ đồng).

2 gói thầu còn lại, Bắc Hà được công bố trúng thầu vào tháng 3/2021. Cụ thể, Gói thầu số 8 Cung cấp DVVTHKCC bằng xe buýt cho tuyến buýt số 41: Nghi Tàm - Bến xe Giáp Bát có giá trúng thầu là 71,611 tỷ đồng, giảm 0,2% so với giá gói thầu (doanh thu từ ngày 1/4/2021 - 31/3/2026 là 15,483 tỷ đồng và được trợ giá 56,128 tỷ đồng). Gói thầu số 9 Cung cấp DVVTHKCC bằng xe buýt cho tuyến buýt số 44: Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình có giá trúng 83,701 tỷ đồng, giảm 0,2% so với giá gói thầu (doanh thu từ ngày 1/4/2021 - 31/3/2026 là 19,385 tỷ đồng và được trợ giá 64,316 tỷ đồng).

Trong 5 gói thầu mà Bắc Hà tham gia, tính cạnh tranh rất thấp. Đơn cử như tại Gói thầu số 7, cùng tham dự với Bắc Hà là Đông Anh và Bảo Yến nhưng cả hai nhà thầu này đều không được đánh giá về tài chính, vì bị loại ngay tại bước đề xuất kỹ thuật. Hay tại Gói thầu số 8, Bắc Hà là nhà thầu duy nhất tham dự.

Chuyên đề