Ảnh Internet |
Tại Hội thảo công bố Báo cáo Mức độ hài lòng của DN trong thực hiện TTHC xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020 vừa diễn ra, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu từ đầu năm 2020 tới nay, song xuất nhập khẩu vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam đạt 545,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Lộc, những con số này cho thấy nỗ lực phi thường của các DN Việt Nam trong bối cảnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong dịch bệnh; đồng phản ánh những cố gắng của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách TTHC và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của DN.
Chia sẻ kết quả khảo sát năm 2020, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, một trong những chuyển biến đáng chú ý trong kết quả điều tra năm 2020 so với những năm trước đó là thông tin về chính sách và TTHC xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Khoảng 38% DN còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin TTHC xuất nhập khẩu, giảm mạnh so với tỷ lệ 54% của năm 2015.
DN đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do cơ quan hải quan cung cấp, cũng như hài lòng hơn đối với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi DN gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin. Khi gặp khó khăn, đa số DN thường tìm sự trợ giúp trước tiên từ các Chi cục Hải quan, sau đó là Cục Hải quan tỉnh/thành phố, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác. Tỷ lệ DN hài lòng với việc giải đáp vướng mắc tại các Chi cục và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố lần lượt là 74% và 72%, tiếp đến là của Tổng cục Hải quan (63%). Tỷ lệ hài lòng với những đơn vị còn lại không có khác biệt nhiều, với tỷ lệ DN hài lòng ở khoảng 62%. Các giá trị này đều có sự cải thiện so với kết quả khảo sát của năm 2018.
Theo kết quả khảo sát năm 2020, việc thực hiện các TTHC hải quan cũng thuận lợi hơn đối với các DN. Những chuyển biến tích cực được DN ghi nhận là việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại. Hai thủ tục “khai hải quan (nhóm thủ tục thông quan)” và “nộp thuế (nhóm thủ tục quản lý thuế)” được nhiều DN đánh giá là thuận lợi hơn khi tuân thủ. Trong khi đó, “kiểm tra hồ sơ (nhóm thủ tục thông quan)”, “hoàn thuế/không thu thuế (nhóm thủ tục quản lý thuế)” và “kiểm tra thực tế hàng hóa (nhóm thủ tục thông quan)” lần lượt là ba nhóm thủ tục DN thường gặp khó khăn nhất. So sánh kết quả khảo sát năm 2020 với năm 2015, tỷ lệ DN đánh giá dễ tuân thủ các thủ tục đều đã cải thiện đáng kể.
Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan trong thời gian gần đây cũng được các DN ghi nhận như giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động. Nếu so sánh với kết quả năm 2018, tình trạng “nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp” và “thời gian kiểm tra bị kéo dài hơn so với quy định” đã chuyển biến tích cực hơn.
Ảnh Internet |
Nếu như trước đây, vấn đề nhận được nhiều phàn nàn của cộng đồng DN là công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành, thì trong kết quả khảo sát năm 2020 ghi nhận những chuyển biến tích cực. Một số bộ, ngành được các DN đánh giá cao như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. So với năm 2018, tỷ lệ DN không trả chi phí ngoài quy định đã tăng nhẹ từ mức 55,6% lên mức 56,1%. Khoảng 22,6% DN thẳng thắn thừa nhận đã từng thực hiện hành vi trả chi phí ngoài quy định và 21,3% DN từ chối cung cấp thông tin.
Về quy mô của khoản chi phí ngoài quy định trong thực hiện TTHC xuất nhập khẩu, 73,8% DN cho biết các khoản chi có giá trị chưa tới 0,5% giá trị lô hàng hóa dịch vụ và chỉ 2,3% DN phải chi số tiền ngoài quy định nhiều hơn 10% giá trị lô hàng.
38,6% người trả lời phản ánh lo ngại DN của mình có thể bị phân biệt đối xử nếu không trả phí ngoài quy định cho cán bộ giải quyết TTHC. Hình thức gây khó khăn cho DN phổ biến nhất khi họ không trả chi phí không chính thức là kéo dài thời gian làm thủ tục. Một số DN cũng lo lắng bị gây khó khăn trong những lần làm thủ tục sau, bị yêu cầu giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật hoặc bị cán bộ tỏ thái độ không văn minh lịch sự khi làm việc.
“Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài luồng khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu giảm cho thấy nhận thức của DN trong kinh doanh liêm chính cũng đã có sự chuyển biến; đồng thời thể hiện những nỗ lực của cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác trong công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ”, ông Lộc nhận xét.