3.790 căn hộ tái định cư bỏ trống tại Thủ Thiêm: Hoang phí đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau nhiều lần đấu giá không thành, 3.790 căn hộ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn bị bỏ hoang và có những hạng mục đang xuống cấp. Theo kế hoạch, cuối năm 2024, số căn hộ được định giá khoảng 10 nghìn tỷ đồng này sẽ hoàn tất thủ tục để đấu giá. Tuy nhiên, chuyện đấu giá thành bại ra sao vẫn còn là một ẩn số.
3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu 38,4 ha phường Bình Khánh (TP. Thủ Đức) hoàn thành từ năm 2015 đến nay vẫn bỏ trống. Ảnh: Ngọc Tuấn
3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu 38,4 ha phường Bình Khánh (TP. Thủ Đức) hoàn thành từ năm 2015 đến nay vẫn bỏ trống. Ảnh: Ngọc Tuấn

Hoang phí nguồn lực

Theo ghi nhận thực tế vào sáng ngày 5/11, các block chung cư tái định cư Thủ Thiêm vẫn bỏ hoang và được rào chắn sơ sài, lối ra vào các tòa nhà cỏ mọc hoang sơ. Nhiều công trình xây dựng bắt đầu xuống cấp, sơn tường mốc và rạn nứt, vỉa hè và lối lên xuống sản một số tòa nhà lún sụt… Ông Nguyễn Văn Tư (68 tuổi), cư dân gắn bó với vùng đất Thủ Thiêm từ nhỏ bày tỏ sự xót xa bởi ngay ở TP. Thủ Đức còn rất nhiều người dân vẫn trong cảnh thiếu chỗ an cư, trong khi hàng nghìn căn hộ bỏ hoang sau gần 10 năm hoàn thành.

3.790 căn hộ tái định cư (TĐC) thuộc khu 38,4 ha phường Bình Khánh (TP. Thủ Đức), nằm trong Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm, hoàn thành từ năm 2015; mục tiêu nhằm TĐC tại chỗ cho 10 nghìn hộ dân bị giải tỏa để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, nhiều người dân nhận tiền đền bù và không có nhu cầu nhận nhà TĐC. Sau đó, số căn hộ này đã được TP.HCM đấu giá 3 lần, song đều thất bại vì không có người tham gia đấu giá. Cụ thể, vào năm 2017, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ với mức giá khởi điểm 8.800 tỷ đồng. Tháng 2/2018 đấu giá lần thứ 2 ở mức giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng. Và lần 3 (tháng 6/2021) đấu giá với mức giá khởi điểm là 9.900 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân đấu giá thất bại, đại diện một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Thủ Đức cho biết, các căn hộ được đấu giá nguyên lô với giá khởi điểm cao, phương thức trả giá lên, bước giá cao. Phương án này yêu cầu doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có năng lực tài chính rất mạnh, quá sức so với tiềm lực của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, sau khi trúng đấu giá, phương án bán lẻ các căn hộ là bài toán khó hơn rất nhiều. Bởi giá khởi điểm (khoảng 3,9 tỷ đồng/căn) cao hơn so với mặt bằng căn hộ thương mại ở khu vực TP. Thủ Đức và giá bán tới tay người mua nhà thứ cấp còn tăng lên cao nữa, nên sẽ rất khó bán.

Để giải quyết khối tài sản trên, TP.HCM từng tính đến phương án chuyển 3.790 căn hộ sang quỹ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định về nhà ở xã hội rất khắt khe, dù được miễn tiền sử dụng đất, nhưng lại phải tính phí bồi thường vào giá thành và giá căn hộ sẽ đội lên cao. Một chủ trương khác cũng từng được tính đến là chuyển các căn hộ tái định cư Thủ Thiêm sang căn hộ thương mại. Song phương án này cũng khó khả thi vì khi hạch toán giá đất, giá xây dựng và lãi vay… sẽ đẩy mức giá căn hộ quá cao. Chưa kể đến dù ở vị trí đắc địa, nhưng chất lượng các căn hộ không đáp ứng nhu cầu thị trường bởi thiết kế nhà TĐC lạc hậu, sử dụng nhiều vật liệu, thiết bị phân khúc thấp.

Chệch quỹ đạo

Việc các căn hộ TĐC Thủ Thiêm bị bỏ hoang cho thấy lỗ hổng, khiếm khuyết ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư. Dữ liệu điều tra nhu cầu dân cư phục vụ khâu lập, thẩm định và trình duyệt báo cáo khả thi, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế đã không có tính thực tiễn khiến hàng nghìn căn hộ bị bỏ hoang.

Một chuyên gia cho rằng, từ câu chuyện lãng phí khi đầu tư 3.790 căn chung cư TĐC Thủ Thiêm có thể rút ra nhiều bài học. Đó là, khi lập dự án cần có kế hoạch rõ ràng, chi tiết. Nguyên tắc đầu tư phải dựa trên cơ sở thực tế về nhu cầu và lợi ích mang lại. Cần có sự tham gia đầy đủ của người dân, đặc biệt là nhóm thụ hưởng, trong quá trình lập dự án để bảo đảm những quyết định chính xác và phản ánh đúng nhu cầu thực tế. Quá trình thẩm định phải bảo đảm chặt chẽ, tránh xảy ra các khiếm khuyết ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án.

Có dịp trải nghiệm thực tế tại các căn hộ TĐC này, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận, chất lượng các căn hộ thấp hơn so với mặt bằng chung các chung cư thương mại trên địa bàn TP. Thủ Đức. Để hấp dẫn người mua, TP.HCM cần tính tới việc tạo cơ chế và quy định cho phép người mua được sửa đổi, cải tạo các căn hộ TĐC sau khi trúng đấu giá. Ngoài ra, giá bán cũng là nút thắt lớn cần tháo gỡ nếu TP.HCM không muốn khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng tiếp tục phơi mưa nắng.

Chuyên đề