81% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế. Ảnh: Lê Tiên |
41% doanh nghiệp gặp phiền hà
Tại Hội thảo công bố báo cáo đánh giá cải cách TTHC thuế: Mức độ hài lòng của DN năm 2016, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo kết quả nghiên cứu dựa trên khảo sát gần 3.500 DN năm 2016, cảm nhận chung của DN về TTHC thuế đã có những bước chuyển biến tích cực. Thông tin về TTHC thuế đã dễ tiếp cận hơn. Thời gian thực hiện TTHC thuế đã giảm, TTHC đã đơn giản hơn và việc áp dụng thủ tục thuế điện tử đang mang lại nhiều lợi ích đối với cộng đồng DN… Mức độ hài lòng của DN về cải cách TTHC thuế đã tăng từ 71 điểm năm 2014 lên 75 điểm trong năm 2016.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế của VCCI, đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI và Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ DN phàn nàn về việc gặp phiền hà trong lĩnh vực thuế hiện vẫn cao, nhất là khi thực hiện TTHC đăng ký thuế, thay đổi thông tin thuế (41% DN). Có DN phải mất 90 ngày mới nhận được tiền hoàn thuế, cá biệt có DN mất tới 1 năm mới nhận được tiền. Và 80% DN bức xúc khi bị cơ quan thuế yêu cầu bổ sung hồ sơ về hoàn thuế. Trong số các DN được khảo sát, DN FDI và DN dân doanh có tỷ lệ phàn nàn nhiều nhất trong thực hiện TTHC thuế (53%).
Đáng lo ngại hơn, theo ông Đậu Anh Tuấn, việc trả chi phí không chính thức không những không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, 34% so với 32% năm 2014. Trong đó DN nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ và DN FDI có tỷ lệ trả chi phí không chính thức cao nhất, lần lượt tăng từ 19% năm 2014 lên 25% năm 2016 và từ 41% năm 2014 lên 44% năm 2016. Điều này cho thấy, DN dù làm đúng nhưng vẫn phải có khoản phí bôi trơn vì sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh kiểm tra thuế. Các khoản phải nộp không chính thức còn tồn tại quá nhiều gây sự mất công bằng và cạnh tranh không lành mạnh.
Để nâng cao chất lượng phục vụ DN trong thời gian tới, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có 81% DN kiến nghị cơ quan thuế cần chú trọng đơn giản hoá TTHC thuế, 60% cho rằng cần tăng cường công khai minh bạch, 59% DN đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ và toàn diện trong giải quyết TTHC thuế... Không ít DN đề nghị cơ quan thuế cần có biện pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế vấn đề chi phí không chính thức, trong đó cần tập trung vào những khâu, lĩnh vực có nguy cơ cao như kiểm tra thuế, thanh tra thuế và kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế...
Vẫn còn nhiều dư địa cải cách
Phản hồi với báo chí về những đề xuất của cộng đồng DN, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao những tiêu chí đánh giá của Nhóm nghiên cứu. Ông Đinh Tiến Dũng ghi nhận, Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước về những hạn chế, khiếm khuyết cần khắc phục.
Bộ Tài chính sẽ tiếp thu những ý kiến của DN để hoàn thiện TTHC về thuế, đại diện cơ quan này khẳng định và cho biết thêm, năm 2017, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động với 175 sản phẩm đầu ra, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Trong năm 2016, có hơn 70/118 sản phẩm đầu ra đã thực hiện được, những sản phẩm đầu ra còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2017 này.
Đề ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế sẽ tiếp tục sửa đổi thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và đáp ứng thông lệ quốc tế; tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, từ đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi theo hướng bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý thuế theo hướng hiện đại; ứng dụng CNTT trong các khâu quản lý thuế và kết nối với hệ thống thông tin của các bộ, ngành; quản lý thuế dựa trên quản lý rủi ro; thực hiện hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau...