3 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế miền Trung

(BĐT) - Đề nghị không cần nêu thành tựu, thực trạng, Thủ tướng yêu cầu Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung tập trung thảo luận các định hướng lớn trong thời gian tới, đặc biệt là đề xuất các ý tưởng, giải pháp có thể triển khai phát triển kinh tế ngay trong năm 2020 và 5 năm tới.
Trong quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, miền Trung được đề xuất sẽ lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm. Ảnh: Thôi Chấn Sơn
Trong quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, miền Trung được đề xuất sẽ lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm. Ảnh: Thôi Chấn Sơn

Ngày 20/8/2019 tại TP. Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung nhằm đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của vùng miền Trung (14 tỉnh, thành phố ven biển, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị. 

Chưa phát huy hết tiềm năng vùng biển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của miền Trung không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh, quốc phòng. Phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh, thành phố mà còn là của lãnh đạo các cấp, Nhà nước. “Với ý nghĩa đó, tôi mong muốn các bộ, ngành cần phải thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” từ bộ, ngành mình, từ các tỉnh miền Trung để tìm ra những giải pháp, chính sách sát thực, cụ thể nhằm tháo gỡ ách tắc, phát triển kinh tế miền Trung trong giai đoạn mới”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có bước phát triển khá nhanh, nhưng xét về tiềm năng, cần thiết phải đưa tỷ trọng đóng góp của khu vực cho cả nước lên mức cao hơn, để thấy “sốt ruột” hơn. Ở một góc nhìn khác, kim ngạch xuất khẩu của vùng còn thấp. Trong khi đó, dù có thế mạnh về du lịch nhưng doanh thu du lịch của cả khu vực hiện chỉ chiếm chưa tới 20% cả nước. Vậy, miền Trung phải xác định chính sách động lực là gì để phát triển, ngành động lực phát triển là gì?

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khẳng định, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Tỷ trọng GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung so với GDP của cả nước giai đoạn 2016 - 2018 có xu hướng giảm, năm 2016 chiếm 7,89%, năm 2017 là 7,79%, đến năm 2018 chiếm 7,84%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2018 là 7,3%/năm, thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.

“Chúng ta cần bàn những giải pháp cụ thể hơn để miền Trung tăng tốc phát triển cao hơn, có quy mô lớn hơn. Lấy dẫn chứng ngay khu vực đang diễn ra hội nghị, sau 3 - 4 năm đã trở thành đô thị du lịch lớn, với khách sạn hạng sang. Phải chăng đây cũng là một trong những câu trả lời cho thế mạnh mà chúng ta cần phát huy?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở. 

Giải pháp căn cơ

Bộ KH&ĐT đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề ra 3 nhóm giải pháp để giúp các tỉnh miền Trung thực sự vươn mình, phát huy thế mạnh vùng.

Đầu tiên là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. “Bằng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.

Về nhóm giải pháp liên kết các ngành, lĩnh vực, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực, cần ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. 14 tỉnh, thành phố miền Trung cần chủ động và linh động trong việc phát huy các nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cho rằng, không thể tách rời nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển KTXH của vùng.

Chuyên đề