Theo ông Tuấn, hiện vẫn còn 300.000 – 400.000 tấn thịt lợn đủ tiêu chuẩn chờ xuất chuồng. Ảnh: Tường Lâm |
Thứ nhất là phải giải quyết tốt quan hệ cung-cầu, tiến hành rà soát để bảo đảm tổng đàn lợn, quy mô đàn có cơ cấu hợp lý. Thứ hai là tổ chức liên kết chuỗi trong ngành chăn nuôi lợn. Do đó, sẽ có một số cơ chế chính sách chúng tôi dự kiến đề xuất với Chính phủ thay đổi. Quan điểm chung là không có việc hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ thông qua chuỗi và theo tín hiệu của thị trường. Thứ ba là giải quyết vấn đề mở thị trường, ở đây là thị trường Trung Quốc. Theo ông Tuấn, những năm trước, thị trường Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu theo tiểu ngạch rất lớn với thịt lợn của chúng ta. Năm nay, trong 4 tháng đầu năm, lượng này chỉ còn khoảng dưới 10% so với năm ngoái, vì vậy cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ lợn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, bằng nhiều giải pháp, mấy ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng bình quân 5.000 đồng một kg so với thời điểm thấp nhất. Trong khi đó, giá thịt bán tại các siêu thị cũng đã giảm so với cách đây 10 ngày. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 300.000 – 400.000 tấn thịt lợn đủ tiêu chuẩn chờ xuất chuồng.
Đề cập đến câu chuyện tại sao nhiều mặt hàng của Việt Nam như rau quả, thịt lợn không thể xuất khẩu sang thị trường các nước, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chính là do chất lượng các mặt hàng này cần phải được nâng cao hơn nữa. Theo ông Hải, cả năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ các nước EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga… “Như vậy, về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước. Do đó, có thể khẳng định việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước”, ông Hải nói.