2 sứ mệnh lớn đặt lên vai tỉnh Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Tây Nguyên đã đặt lên vai Đắk Lắk 2 sứ mệnh lớn, đó là phải phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa (mang đặc thù riêng của vùng Tây Nguyên), xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh; cùng với đó, phải xác định vai trò sẽ là “bệ đỡ” cho cả Vùng. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng ngày 25/4.

Kỳ vọng lớn

Phát biểu tại Phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, Quy hoạch Tỉnh được thực hiện theo phương pháp tích hợp đồng bộ, được lập đồng thời với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng và là lần đầu tiên lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo quyết liệt và sát sao, đặt kỳ vọng rất lớn và yêu cầu dự thảo Quy hoạch Tỉnh phải đề xuất các phương án phát triển để Tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển, đạt được mục tiêu: “xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đưa ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung, thu hút, huy động nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Quan điểm phát triển dựa trên 4 trụ cột tăng trưởng: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; Dịch vụ - Logistics - Du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Sự phát triển của các trụ cột tăng trưởng sẽ tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế đột phá và theo chiều sâu, tạo sự phát triển lan tỏa thúc đẩy các ngành dịch vụ hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển có chất lượng cao như: khoa học - công nghệ, thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội.

TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với không gian xanh - hiện đại - văn minh - bản sắc, cửa ngõ của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế. Người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Tỉnh Đắk Lắk năm 2050: Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo

Theo dự thảo Quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo”, lấy con người là trung tâm của mọi quá trình phát triển, người dân trong Tỉnh thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển; sinh thái tự nhiên được phục hồi và gìn giữ; bản sắc văn hóa được bảo tồn trên hệ giá trị nhân văn độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc Tây Nguyên; nơi nuôi dưỡng và ươm mầm sáng tạo vùng Tây Nguyên, kết nối và hội nhập quốc tế… Được biết, Viện Chiến lược phát triển là đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk. Liên danh tư vấn gồm Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp.

Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu, đến năm 2050, Đắk Lắk có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển thịnh vượng của cả nước. Vị thế phát triển của Tỉnh được nâng lên, quy mô kinh tế trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước.

Để đạt được mục tiêu, Quy hoạch Tỉnh đặt nhiệm vụ trọng tâm tập trung phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn hướng tới các thị trường xuất khẩu; phát triển mạng lưới đô thị, mà trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột để Thành phố sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên các ngành sản xuất và các lĩnh vực dịch vụ phù hợp xu hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh như: công nghiệp chế biến tiêu chuẩn cao, phát triển năng lượng sạch (tái tạo), phát triển du lịch và dịch vụ logistics.

Quy hoạch Tỉnh ưu tiên định hình rõ nét các chức năng ở cả cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên, bao gồm: Thành phố Cà phê thế giới (TP. Buôn Ma Thuột); Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế; Trung tâm Văn hóa vùng Tây Nguyên; Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; Trung tâm Đô thị vùng Tây Nguyên.

Đắk Lắk cần phải xác định rõ vai trò, vị thế của tỉnh

Toàn cảnh Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Toàn cảnh Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tại phiên họp sáng ngày 25/4/2023, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu với kết quả 100% thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung theo các góp ý.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch Tỉnh cần đánh giá, làm sâu sắc hơn những hạn chế trong phát triển, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển ở các quy hoạch thời kỳ trước, từ đó có những giải pháp để phát huy trong giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý tới vấn đề môi trường, nước và quốc phòng an ninh.

Ngoài ra, Đắk Lắk cần phải xác định rõ vai trò, vị thế của tỉnh trong Vùng và với quốc gia. Với vị thế quan trọng, chiến lược của Tỉnh được chỉ rõ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 2 sứ mệnh lớn được đặt lên vai tỉnh Đắk Lắk. Đó là phát triển kinh tế phải hài hòa với văn hóa (mang đặc thù riêng của vùng Tây Nguyên), xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh; cùng với đó, Đắk Lắk phải xác định vai trò sẽ là “bệ đỡ” cho cả Vùng.

Có vị trí trung tâm Vùng, Đắk Lắk có điều kết nối với tất cả các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển

Có vị trí trung tâm Vùng, Đắk Lắk có điều kết nối với tất cả các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển

Vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới với Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung là phải giữ vững được những vấn đề quan trọng bậc nhất (như rừng, nguồn nước, giữ dân, văn hóa, trật tự an ninh, quốc phòng an ninh…) bên cạnh phát triển kinh tế.

"Với vai trò là trung tâm kinh tế của Vùng thì phải có tác động lan tỏa, lôi kéo cả Vùng phát triển. Đắk Lắk phải kết nối với Duyên hải miền Trung; mô hình kinh tế phải xác định và khẳng định rõ là kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn", Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Chuyên đề