Các doanh nghiệp sẽ được tài trợ về vốn, kỹ năng để triển khai dự án của mình. (Ảnh: T.L/Vietnam+) |
Trong 19 doanh nghiệp này, có đơn vị làm “Dây chuyền máy đúc gạch không nung tự động,” “Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED” hoặc có những công nghệ hiện đại như “Lưới điện mặt rời mini,” “Trạm thời tiết khí hậu tự động công nghệ iMetos và phần mềm kết nối thông tin, dự báo và cảnh báo tự động thời tiết, sâu bệnh”…
Theo đại diện ban tổ chức, tùy từng quy mô, mỗi dự án sẽ được hỗ trợ khoản tiền tương ứng và cao nhất là 75.000 USD để phát triển sản phẩm.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho hay, năm 2015, thông qua tài trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Danh mục VCIC.
Hiện tại, VCIC đang triển khai những hoạt động ban đầu để tìm kiếm, lựa chọn và hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng sáng tạo công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua tổ chức Cuộc thi chứng minh ý tưởng.
Trải qua quá trình lựa chọn, đánh giá đối với hơn 300 ý tưởng dự án đăng ký tham gia, Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với các chuyên gia độc lập của WorldBank đã lựa chọn ra 19 doanh nghiệp có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế cacbon thấp ở Việt Nam để nhận được tài trợ trong đợt này.
Mục tiêu của VCIC trong 3 năm đầu hoạt động sẽ hỗ trợ 48 doanh nghiệp địa phương tiếp cận với đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch, giúp cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới 1.700 hộ gia đình./.