Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư Dự án Đường từ Quốc lộ 6 đến Khu công nghiệp Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Danh mục dự án, tiểu dự án đầu tư công kế hoạch năm 2024 nguồn vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) do địa phương quản lý chưa thực hiện giải ngân đến ngày 30/4/2024, cả nước có tổng số 316 dự án, trong đó, riêng tỉnh Hòa Bình có 18 dự án.
Một số dự án nằm trong danh sách này là: Dự án Đường từ Quốc lộ 6 đến Khu công nghiệp (KCN) Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn làm Chủ đầu tư; Dự án Đường nối cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với KCN Yên Quang, TP. Hòa Bình do Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình quản lý; Dự án Đường nối đường QH8 với đường An Dương Vương, TP. Hòa Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm Chủ đầu tư…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Vũ Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình cho hay, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của các dự án này, trong đó vướng mắc nổi cộm liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nguồn vốn thực hiện.
Đơn cử, với Dự án Đường từ Quốc lộ 6 đến KCN Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn cho hay, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư là vướng mắc trong thực hiện thủ tục bồi thường GPMB.
“Một số hộ dân thuộc diện GPMB chưa chấp thuận mức giá bồi thường, tiến độ của công trình tái định cư cũng đang chậm… Vướng mắc này khiến tiến độ Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án chậm khoảng 4 - 5 tháng so với kế hoạch. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Việt Hà - Công ty CP Xây dựng Thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp đang phải nằm chờ mặt bằng…”, ông Hải nêu khó khăn.
Về việc khó giải ngân vốn tại Dự án Đường trục xã Phú Cường - Gò Lào, xã Ba Khan (nay là xã Sơn Thủy), huyện Mai Châu (Đường tỉnh 450 đoạn từ Km0+00 đến Km14+00), một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình lý giải là do vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các thủ tục nghiệm thu.
Về Dự án Đường nối cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với KCN Yên Quang, TP. Hòa Bình, một số thông tin gần đây cho thấy, Dự án gặp khó khăn trong công tác lập quy hoạch do chồng lấn ranh giới quy hoạch KCN Yên Quang (đã được UBND Tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch) với ranh giới của đường cao tốc Láng - Hòa Lạc giai đoạn 2. Trong quá trình triển khai GPMB, việc xác minh loại đất, kiểm đếm và giải quyết những thắc mắc, khiếu kiện về đất đai của người dân diễn ra rất chậm, gặp nhiều khó khăn do yếu tố đặc thù về đất đai, phong tục tập quán, hiện trạng sử dụng đất...
Sốt ruột với tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình cho hay, ngày 27/5/2024, Sở đã có văn bản gửi UBND Tỉnh đề xuất loạt giải pháp để thay đổi hiện trạng này.
Năm 2024, tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số vốn là 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND Tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ sử dụng đất tăng 233,264 tỷ đồng, vốn đầu tư khác tăng 127,1 tỷ đồng.
Đến nay, UBND Tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết 100% kế hoạch vốn, trong đó, vốn ngân sách trung ương 1.927,751 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.836.174 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 39,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, giải ngân vốn ngân sách Trung ương chỉ đạt 7,26% kế hoạch. 18 dự án nêu trên có tổng vốn ngân sách trung ương giao năm nay là 264,447 tỷ đồng, chiếm 13,7%.
Giải pháp đầu tiên, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các ban quản lý dự án chuyên ngành của Tỉnh và các chủ đầu tư nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ cũng như chỉ đạo liên quan với các mốc thời gian cụ thể. “Đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đến 30/6/2024 giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến 30/9/2024, giải ngân đạt 70% kế hoạch; đến 30/11/2024, giải ngân đạt 90% kế hoạch; đến 31/1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao”, Sở KH&ĐT đề nghị.
Sở KH&ĐT đề xuất lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói.
Cùng với đó, Sở KH&ĐT Tỉnh sẽ chủ trì kiểm tra, đôn đốc rà soát, tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh tăng thu từ nguồn thu sử dụng đất để đảm bảo có nguồn vốn bố trí cho các dự án…
Về phía chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Tiến Hải cho hay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân để họ hiểu, đồng thuận bàn giao mặt bằng Dự án Đường từ Quốc lộ 6 đến KCN Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, gỡ “nút thắt” bồi thường GPMB, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.