17 gói thầu hơn 1.180 tỷ đồng tại Điện lực miền Nam: Cuộc cạnh tranh về giá của các nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa hoàn thành lựa chọn nhà thầu thực hiện 17 gói thầu thuộc 2 dự án mua sắm vật tư thiết bị trung và hạ thế năm 2023 với tổng dự toán hơn 1.180 tỷ đồng. Mỗi gói thầu có từ 3 - 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), đều vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật và trúng ít nhất 1 gói thầu, ngoại trừ trường hợp của Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình.
Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa hoàn thành lựa chọn nhà thầu thực hiện 17 gói thầu thuộc 2 dự án mua sắm vật tư thiết bị trung và hạ thế năm 2023. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa hoàn thành lựa chọn nhà thầu thực hiện 17 gói thầu thuộc 2 dự án mua sắm vật tư thiết bị trung và hạ thế năm 2023. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án Mua sắm vật tư thiết bị trung và hạ thế năm 2023 của Tổng công ty Điện lực miền Nam (dây cáp điện các loại) có 8 gói thầu với tổng giá dự toán 597,403 tỷ đồng. Cả 8 gói thầu đều được đấu thầu qua mạng theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Rượt đuổi về giá ở vòng tài chính, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam trúng 2 gói thầu gồm: Gói 2 Mua sắm dây dẫn cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giá trúng thầu 73,614 tỷ đồng, giảm 4,575 tỷ đồng so với giá gói thầu); Gói 5 Mua sắm dây dẫn các loại cho các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh và Hậu Giang (giá trúng thầu 71,055 tỷ đồng, giảm 3,872 tỷ đồng sau đấu thầu).

Công ty TNHH Thương mại sản xuất dây và cáp điện Đại Long trúng 3 gói thầu và Công ty CP Tập đoàn HANAKA trúng 2 gói thầu. Cụ thể, giá trúng thầu của Công ty TNHH Thương mại sản xuất dây và cáp điện Đại Long tại Gói 3 Mua sắm dây dẫn các loại cho các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Tiền Giang là 74,117 tỷ đồng (giảm 4,04 tỷ đồng so với giá gói thầu). Còn ở Gói 6 Mua sắm dây dẫn các loại cho các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Gói 7 Mua sắm dây dẫn cho tỉnh Kiên Giang, giá trúng thầu của Liên danh Công ty TNHH Thương mại sản xuất dây và cáp điện Đại Long - Công ty CP Tập đoàn HANAKA lần lượt là 81,763 tỷ đồng (giảm 4,397 tỷ đồng sau đấu thầu) và 82,5 tỷ đồng (giảm 4,867 tỷ đồng so với giá gói thầu).

Tại Gói 4 Mua sắm dây dẫn các loại cho các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư kinh doanh điện lực TP.HCM - Công ty TNHH Dây và Cáp điện Trường Thịnh với giá trúng thầu 83,379 tỷ đồng (giá gói thầu 87,857 tỷ đồng).

Tại Gói 8 Mua sắm cáp ngầm 3 pha 24kV cho công trình xây dựng mới đường dây trung thế ngầm khu vực Bãi Trường, Phú Quốc, Kiên Giang, giá trúng thầu của Công ty CP Cáp điện và Hệ thống LS-Vina là 33,779 tỷ đồng (giá gói thầu 35,611 tỷ đồng). Gói thầu này có 4 nhà thầu nộp HSDT và nhà thầu duy nhất không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật là Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình (địa chỉ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đây cũng là nhà thầu duy nhất tham gia đấu thầu nhưng không trúng gói thầu nào tại Dự án. 2 nhà thầu bị loại ở bước đánh giá về tài chính của Gói 8 là Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại sản xuất dây và cáp điện Đại Long…

Dự án Mua sắm vật tư thiết bị trung và hạ thế năm 2023 của Tổng công ty Điện lực miền Nam (máy biến áp phân phối các loại) có 9 gói thầu với tổng giá dự toán 584,549 tỷ đồng. Các gói thầu này cũng thu hút một số nhà thầu cùng cạnh tranh, nhưng mức độ giảm giá khá nhỏ.

Cụ thể, Công ty CP Thiết bị điện đã được công bố trúng 2 gói thầu thuộc dự án này, gồm: Gói 4 Máy biến áp phân phối 1 pha 50kVA các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre (giá trúng thầu 69,51 tỷ đồng, giá gói thầu 69,862 tỷ đồng); Gói 9 Máy biến áp phân phối 3 pha 250kVA các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tây Ninh, An Giang (giá trúng thầu 75,99 tỷ đồng, giá gói thầu 76,5 tỷ đồng).

Công ty CP Sản xuất biến thế HBT Việt Nam được lựa chọn thực hiện 2 gói thầu gồm: Gói 8 Máy biến áp phân phối 3 pha 250kVA các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang (giá trúng thầu 54,377 tỷ đồng, giá gói thầu 54,687 tỷ đồng); Gói 3 Máy biến áp phân phối 1 pha 50kVA các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu (liên danh với Công ty CP Máy biến thế Việt Nam trúng thầu với giá 68,975 tỷ đồng, giá gói thầu 69,377 tỷ đồng).

Công ty CP Cơ điện Thủ Đức trúng 2 gói thầu gồm: Gói 6 Máy biến áp phân phối 3 pha (100kVA - 160kVA - 180kVA) với giá trúng thầu 70,7 tỷ đồng (giảm 0,572 tỷ đồng so với giá gói thầu; Gói 2 Máy biến áp phân phối 1 pha (75kVA - 100kVA) với giá trúng thầu 37,223 tỷ đồng, giảm 0,3 tỷ đồng sau đấu thầu (liên danh với Công ty CP Thiết bị điện và Chế tạo biến thế Hà Nội)…

Ngày 17/10/2023, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, Chủ đầu tư đã hoàn thành ký hợp đồng với các nhà thầu trúng 17 gói thầu và các nhà thầu bắt đầu triển khai thực hiện hợp đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng, hợp đồng theo đơn giá cố định. Các vật tư thiết bị trung và hạ thế thuộc phạm vi cung cấp của 2 dự án trên bao gồm vật tư thiết bị nhập ngoại và vật tư thiết bị sản xuất trong nước.

Chuyên đề