Các bị cáo cung cấp chứng chỉ giả khi bị đưa ra xét xử |
Ngày 23/12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Trịnh Minh Hoàng, Đỗ Thị Mận (39 tuổi) và 3 bị cáo cùng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Toà đã tuyên phạt Hoàng 4 năm, Mận 3 năm tù, 3 bị cáo còn lại từ 20 tháng tù treo đến 30 tháng tù treo.
Bán chứng chỉ giả với giá 200.000 đồng
Theo cáo trạng, Hoàng làm nghề tự do. Khoảng cuối năm 2007, bị cáo thấy nhiều người có nhu cầu mua Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, tin học giả để bổ sung hồ sơ nên nảy sinh ý định làm giả những loại chứng chỉ này.
Bị cáo biết Trung tâm đào tạo tiếng Anh khoa học Jupiter có đào tạo và cấp các loại chứng chỉ nên đã lấy mẫu giấy chứng nhận tiếng Anh, tin học của trung tâm này. Bị cáo còn chụp ảnh hình dấu tròn màu đỏ của Trung tâm, scan lên máy tính cá nhân để làm giả chứng chỉ.
Năm 2016, bị cáo thuê văn phòng và đăng tuyển sinh các lớp học lấy Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để bán. Hoàng đặt mua phôi Trung tâm trên của một đối tượng với giá 4.000 đồng/phôi.
Khi có khách đặt mua chứng chỉ, Hoàng yêu cầu gửi ảnh chân dung, photo chứng minh nhân dân và bán từ 70.000 - 200.000 đồng/chứng chỉ ngoại ngữ giả, 50.000 đồng/chứng chỉ tin học giả.
Sau đó, Hoàng dùng máy tính điền thông tin của khách mua phôi chứng chỉ giả, ghép dấu đỏ tròn của Trung tâm Jupiter, dấu tên chức danh của Giám đốc trung tâm để scan in màu rồi lấy bút ký giả tên đè lên dấu tròn scan. Hoàng dán ảnh của người mua vào phôi, đóng dấu dập nổi giáp lai ảnh. Sau đó, bị cáo dùng dấu đỏ đóng vào phôi.
Đối với khách hàng muốn mua các loại chứng chỉ giả các trường đại học thì Hoàng mua của một đối tượng tên Thắng, bán lại kiếm lời.
Thông qua mối quan hệ xã hội, Hoàng biết Đỗ Thị Mận (39 tuổi, ở quận Đống Đa) từng làm giáo viên tin học nên bàn bạc tìm người mua, để bán chứng chỉ giả.
Bị cáo sau đó cùng với Mận, Ngô Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thuỳ Ninh, Nguyễn Thị Huyền tham gia làm Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh giả, Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả của trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Huyền cung cấp thông tin, tên tuổi, địa chỉ, ảnh của các học viên có nhu cầu cho Ninh, rồi chuyển cho Nhung, sau đó đến tay Mận. Khi nhận được thông tin này từ Mận, Hoàng chuyển cho Thắng làm giả để đem bán, hưởng tiền chênh lệch.
Cụ thể, Hoàng và Mận đã làm giả 27 loại giấy tờ. Trong đó, Hoàng trực tiếp làm giả 4 chứng chỉ tiếng Anh, tin học của Trung tâm Jupiter để bán cho Mận.
Sau đó, Hoàng cùng Mận tham gia làm giả 23 Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh giả, Chứng chỉ ngoại ngữ giả.
Toà cáo buộc, Hoàng thu lời bất chính hơn 47 triệu đồng, Mận hơn 30 triệu đồng. Các bị cáo còn lại thu lời từ 5,7 triệu đồng đến hơn 29 triệu đồng.
Huỷ bỏ bằng thạc sĩ của 16 người
Liên quan đến vụ án, toà xác định có 22 học viên mua giấy Chứng nhận năng lực tiếng Anh và Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong số này có một học viên đã bỏ học và không đến làm việc với nhà trường. Có 16 học viên đã bảo vệ tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Ngày 11/9/2019, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã ra Quyết định xoá tên các học viên cao học khỏi danh sách tốt nghiệp và thu hồi bằng thạc sĩ.
Đối với 5 học viên còn lại chưa bảo vệ tốt nghiệp, chưa được cấp bằng thạc sĩ, ngày 29/11/2019, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học tập 1 năm và thông báo toàn trường.
Đối với việc mua để sử dụng Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh, Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả của những người trên, cơ quan điều tra cho rằng mức độ vi phạm không lớn, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.