Ngay sau đối thoại với Thủ tướng, các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được xem xét, xử lý. Ảnh: Nhật Bắc |
Trong đó khối DN dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN nhà nước và DN đã cổ phần hóa…
Ngay sau Hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của DN.
“Năm nay, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả những bất cập để giảm khó khăn, bức xúc cho DN”, ông Hà cho biết.
Phát biểu tại Họp báo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thành công lớn nhất của Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN là lần đầu tiên Chính phủ có 1 nghị quyết tổng thể để thúc đẩy phát triển DN trong cả nhiệm kỳ. Nghị quyết này cộng hưởng với Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển DN. “Mỗi năm, Chính phủ “ngồi với DN” để đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được là hết sức cần thiết. Việc làm này thể hiện sự quan tâm, cổ vũ động viên của Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của DN, của nền kinh tế đất nước”, ông Lộc nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đối thoại được tổ chức hàng năm giữa Thủ tướng với DN thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao với cộng đồng DN. Đây là sự động viên lớn đối với DN tư nhân, nhất là khu vực DN tư nhân đang trong quá trình khởi nghiệp, phát triển.