12 đại dự án ngành Công Thương: Âm vốn, nợ khủng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tổng nợ phải trả của 12 đại dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương đã lên tới 63.308,82 tỷ đồng, lỗ lũy kế 26.360,88 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu là 7.264,61 tỷ đồng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nợ khủng

Trong Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương vừa được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 5/10 đã cập nhật việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương.

Cụ thể, sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ xử lý 12 đại dự án này theo Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội, đến nay công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện một cách tổng thể, toàn diện. Cùng với việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được tính tới để xử lý, qua đó tới nay đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, đến nay, số liệu thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước của 12 đại dự án thua lỗ, yếu kém trên theo Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương ban hành kèm theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg chưa được xác định đầy đủ do còn có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC nên chưa hoàn thành quyết toán, xác định chính xác giá trị các dự án.

Theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tổng nợ phải trả của các dự án này lên tới 63.308,82 tỷ đồng, lỗ lũy kế 26.360,88 tỷ đồng trong khi tổng tài sản là 59.152,88 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 7.264,61 tỷ đồng.

Vinapaco đang bế tắc

Cũng tại Báo cáo, Chính phủ nêu rõ việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) trong công tác xử lý Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Đây là dự án đầu tư đã đắp chiếu nhiều năm và bế tắc chưa có lối ra khi “bán không ai mua”.

Năm 2017, Vinapaco đã triển khai tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công. Sau khi chứng thư thẩm định giá lần thứ nhất hết hiệu lực, Tổng công ty đã tiến hành thẩm định giá tài sản và hàng tồn kho của Dự án lần thứ 2; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá lần thứ 2 của Vinapaco, tuy nhiên sau khi Kiểm toán nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2019, chứng thư thẩm định giá lần 2 hết hiệu lực (chứng thư chỉ có hiệu lực 6 tháng kể từ ngày ban hành).

Ngày 22/10/ 2019, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Tổng công ty thuê tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án tại thời điểm 0h ngày 1/10/2019. Hiện Vinapaco đang xem xét dự thảo Hồ sơ thẩm định giá do tư vấn định giá lập trước khi phát hành chính thức, sau khi có kết quả thẩm định giá, Tổng công ty sẽ chuyển kết quả định giá cho Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.

Theo Báo cáo của Chính phủ, đến thời điểm 31/12/2019, tổng nợ phải trả của Dự án là 3.014,22 tỷ đồng, công nợ phải thu ngắn hạn là 4,055 tỷ đồng. Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng. Song Vinapaco đang rất khó khăn về tài chính, không đảm bảo chi trả các khoản nợ gốc và lãi nên vụ kiện có thể dẫn đến việc không thể tiến hành bán đấu giá. Do vậy, trong tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã chủ trì buổi làm việc giữa PVcombank và Vinapaco để thống nhất phương án xử lý đối với vụ kiện. Theo đó, hiện hai bên đang tiến hành rà soát và tiến hành xử lý.

Chuyên đề