Xử lý tài sản bất minh tại tòa án sẽ tốt hơn

(BĐT) - Ngày 6/9, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: Quang Khánh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: Quang Khánh

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và nhân dân, Ban soạn thảo đã chốt hai phương án đề xuất xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được rõ nguồn gốc: phương án 1 là tòa án xem xét quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý tài sản; phương án 2 là sẽ thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định về thuế.

Nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng "cảm thấy yên tâm hơn" về tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của phương án tòa án xem xét, quyết định việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc. Trong khi đó, phương án thu thuế hay xử phạt hành chính đều không thuyết phục, phương án tòa án xem xét quyết định sẽ được số đông ủng hộ, đảm bảo minh bạch, công khai, chặt chẽ hơn.

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, việc bảo đảm sự thống nhất, tính khả thi của Luật khi được ban hành.    

Chuyên đề