Nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được như thang máy, máy phát điện… không có cơ hội tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Ảnh: Công Thu |
Động thái này của Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương xuất phát từ thực tế nhiều gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước liên tục chào “hàng ngoại”, bất chấp các quy định tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong đấu thầu.
Chủ đầu tư “sính ngoại”
Văn bản của Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương nêu rõ, những doanh nghiệp (DN) sản xuất ra các sản phẩm cơ - điện đã được Bộ Công Thương chứng nhận là sản phẩm Việt Nam sản xuất được hết sức vui mừng khi ngày 4/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Quy định đã có, song theo Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, trong quá trình đấu thầu hiện vẫn còn nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu và đơn vị tư vấn đưa ra quy định sử dụng hàng hóa nhập khẩu hoặc định hướng đến hàng hóa nhập khẩu.
Dẫn chứng cho điều này, Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương nêu tên hàng loạt gói thầu như Gói thầu Mua sắm thang máy thuộc Dự án Trụ sở làm việc HĐND tỉnh Bến Tre; Gói thầu Lắp đặt thang máy chở người thuộc Dự án Trụ sở làm việc Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Theo thu thập của Báo Đấu thầu, ngoài các gói thầu mà Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương nêu trên, thực tế còn rất nhiều gói thầu khác cũng có yêu cầu sử dụng hàng hóa nhập khẩu hoặc định hướng đến hàng hóa nhập khẩu. Có thể kể đến các gói thầu như: Gói thầu Cung cấp, lắp đặt trạm biến áp và máy phát điện do Công ty TNHH NN MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ làm chủ đầu tư; Gói thầu số 5 - Cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, TP.HCM; Gói thầu số 16 - Hệ thống thang máy thuộc Dự án Bệnh viện huyện Châu Thành do Sở Y tế tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư...
Tại các gói thầu này, trong hồ sơ mời thầu thường yêu cầu hàng hóa là của “hãng sản xuất G7”, “xuất xứ nhập khẩu đồng bộ từ các nước G7 hoặc ASEAN”… nhằm loại ngay từ vòng ngoài hàng hóa trong nước đã sản xuất được.
Xử lý nghiêm các sai phạm
Trao đổi với Báo Đấu thầu ngày 2/6, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương bày tỏ: “Các nhà thầu trong lĩnh vực cơ - điện rất thất vọng với cách xử lý của các chủ đầu tư, bên mời thầu mỗi khi bị “tố” có hành vi phân biệt đối xử với hàng hóa trong nước đã sản xuất được. Thực tế, có rất ít chủ đầu tư, bên mời thầu có tinh thần cầu thị, sửa sai và dám chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm tư vấn đấu thầu để xảy ra vi phạm. Điều này cho thấy chính sách ủng hộ hàng hóa trong nước sản xuất được đang bị xem nhẹ, coi thường”.
Cũng theo ông Trọng, sở dĩ Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương mạnh dạn báo cáo sự việc lên Thủ tướng Chính phủ vì nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được như thang máy, máy phát điện… đang bị phân biệt đối xử, không có cơ hội tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. “Các sản phẩm này đã được Bộ Công Thương phê duyệt, giá thấp hơn hàng nhập khẩu từ 30 - 50% nhưng đều không có cơ hội tham gia vào các gói thầu. Điều này gây lãng phí ngân sách và làm nản lòng nhà sản xuất trong nước”, đại diện Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương phân tích.
Tổng giám đốc Công ty Thang máy Thái Bình Nguyễn Tuấn Anh trong nhiều lần trao đổi với Báo Đấu thầu đều bày tỏ quan ngại với tình trạng nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu bất chấp các quy định của pháp luật để loại bằng được nhà thầu Việt. “Trong rất nhiều gói thầu, chúng tôi đã buộc phải lên tiếng mạnh mẽ để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Nhưng về phía chủ đầu tư, bên mời thầu, mọi trả lời, cách xử lý đều rất bao biện, quanh co, thậm chí là bất chấp” - ông Tuấn Anh cho biết, đồng thời nhấn mạnh: “Cần sự vào cuộc mạnh mẽ, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, bên mời thầu cố tình đưa ra những tiêu chí phân biệt đối xử với hàng Việt. Nếu vẫn giữ cách xử lý như hiện nay thì kỷ cương về đấu thầu, quyền lợi của doanh nghiệp trong nước sẽ tổn hại nghiêm trọng”.