Xử lý bước đầu câu chuyện “có tiền không tiêu được”

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện, giải ngân từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Kết quả thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công tích cực cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục thúc đẩy tốt thực hiện nguồn vốn này trong thời gian tới, không lặp lại tình trạng có tiền mà không tiêu được.

11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2020, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%). Trong đó vốn Trung ương quản lý tăng rất mạnh, đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch năm và tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 333,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% và tăng 28,7%. “So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bài học kinh nghiệm từ năm nay sẽ khiến thay đổi tư duy làm kế hoạch. Mọi năm không có việc trả lại vốn, năm nay trả lại rất nhiều. Rõ ràng, khi đặt nặng vấn đề giải ngân thì các bộ, ngành, địa phương sẽ phải xem lại việc lập kế hoạch, không cố gắng xin càng nhiều càng tốt như trước. Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý các địa phương làm kế hoạch phải khả thi, số tiền đăng ký kế hoạch phải giải ngân được. Năm 2021 thực hiện Luật Đầu tư công mới, không kéo dài giải ngân sang năm sau nữa. Khi đã có sự điều chuyển mạnh từ dự án giải ngân chậm sang giải ngân nhanh, câu chuyện có tiền không tiêu được sẽ được giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng số tiền kế hoạch năm nay rất lớn. Tỷ lệ thực hiện, giải ngân lớn cho thấy số tiền thực đi vào nền kinh tế rất lớn, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng. Quan trọng hơn là tác động lan tỏa, mỗi dự án hoàn thành tạo ra công ăn việc làm, tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng xung quanh... Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, con số này phản ánh các chính sách, giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công cùng sự quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Tần suất chỉ đạo liên tục với 3 hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng liên tục dẫn đầu các đoàn công tác, đôn đốc, làm việc tại các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy giải ngân. Ý thức của các đơn vị thực hiện giải ngân tốt hơn. Thủ tục pháp luật đơn giản hơn, đặc biệt thủ tục điều chỉnh dự án, từ dự án chậm sang dự án tốt hơn do Thủ tướng quyết định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều đặt quyết tâm cao trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020. Thông thường cuối năm có nhiều điểm thuận lợi, các dự án thực hiện khối lượng nhiều làm hồ sơ thanh toán, tốc độ giải ngân thường nhanh hơn. Tuy nhiên, khó khăn lớn là còn một số địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, nhiều công trình phải tạm dừng, nhiều công trình dở dang lũ quét qua gần như phải làm lại. Một số chuyên gia cho rằng với tốc độ giải ngân nhanh hơn trong tháng cuối năm thì cả năm có thể đạt trên 90% kế hoạch. Thời gian tới, công tác làm hồ sơ thanh, quyết toán là rất quan trọng, cần bảo đảm chính xác, xét duyệt nhanh, các cơ quan thực hiện công tác này tạo điều kiện tối đa để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công.

Chuyên đề