Xây lắp điện gặp khó, Sông Đà 11 đẩy mạnh dự án sản xuất điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh mảng xây lắp điện khó khăn, Công ty CP Sông Đà 11 sẽ chuyển hướng tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án nhà máy điện. Định hướng này diễn ra khi hơn 51% cổ phần Sông Đà 11 đã được Công ty CP Đầu tư ENERGY Việt Nam sở hữu.
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét của Công ty. Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét của Công ty. Đơn vị tính: tỷ đồng

Lĩnh vực xây dựng điện gặp khó

Xây lắp điện là lĩnh vực đóng góp phần lớn trong tổng doanh thu của Sông Đà 11 trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, số liệu từ năm 2017 trở lại đây cho thấy, nguồn thu từ hoạt động này đang giảm dần, trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh điện đang dần tăng lên.

6 tháng đầu năm 2023, Sông Đà 11 ghi nhận 293,6 tỷ đồng doanh thu, trong đó hoạt động xây dựng chỉ đạt 143 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, thu từ xây dựng đã giảm 41%. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 26,7 tỷ đồng, giảm 52%.

Công ty cho biết, lĩnh vực xây lắp đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt, các công trình trúng thầu có lợi nhuận rất thấp. Nhiều công trình không bù đắp được chi phí. Lĩnh vực xây lắp từ công ty mẹ đến công ty con đều bị lỗ và dự báo tình trạng này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Theo ghi nhận của phóng viên, Sông Đà 11 đang tham dự 10 gói thầu xây lắp điện. Các gói thầu này thu hút nhiều nhà thầu tham dự. Đơn cử Gói thầu số 15 Xây lắp đường dây 220 kV từ G16 (VT39)-ĐC, thuộc Dự án Trạm biến áp 220 kV Hải Hậu và đường dây đấu nối có giá 65 tỷ đồng, Sông Đà 11 phải cạnh tranh với 9 nhà thầu khác. Hay tại Gói thầu số 12 Xây lắp trạm và đường dây đấu nối (bao gồm thực hiện các công việc về TTLL và SCADA) thuộc Dự án Trạm biến áp 220 kV Vũ Thư và đường dây đấu nối có giá hơn 145,2 tỷ đồng, Sông Đà 11 phải cạnh tranh với 8 nhà thầu khác…

Trước đó, tham dự Gói thầu số 12 Xây lắp từ G13.1 đến G25 (không bao gồm G25) và Gói thầu số 13 Xây lắp từ G25 đến ĐN (không bao gồm ĐN) thuộc Dự án Đường dây 220 kV Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 - Trạm biến áp 500 kV Long Thành, Sông Đà 11 đều bị loại do giá dự thầu không cạnh tranh.

Bóng dáng An Xuân Group tại Sông Đà 11

Trong bối cảnh mảng xây lắp điện gặp khó, tới đây, Ban lãnh đạo Sông Đà 11 sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc thành lập Công ty TNHH Năng lượng SJE để định hướng tìm kiếm đầu tư phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ, các dự án điện mặt trời, điện gió… có tính khả thi cao để phát triển bền vững trong những năm tới.

Theo đó, Công ty TNHH Năng lượng SJE sẽ có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Sông Đà 11 góp 10,9 tỷ đồng bằng tiền và dùng giá trị sổ sách của các cổ phần tại các công ty năng lượng khác Sông Đà 11 đang sở hữu để góp vốn. Cụ thể, góp 5,6 triệu cổ phần Công ty CP Thủy điện To Buông (giá trị 56 tỷ đồng), 5,4 triệu cổ phần Công ty CP Thủy điện Đắk Đoa (54 tỷ đồng), 3,568 triệu cổ phần Công ty CP Thủy điện Bát Đại Sơn (35,685 tỷ đồng), Công ty CP Thủy điện Đăk Glei (58,435 tỷ đồng), 28,49 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư điện mặt trời (284,9 tỷ đồng).

Định hướng phát triển mới của Sông Đà 11 diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa đón cổ đông lớn là Công ty CP Đầu tư ENERGY Việt Nam, nắm giữ 52,98% cổ phần Sông Đà 11. Nhóm cổ đông này bắt đầu mua cổ phần của Sông Đà 11 từ đầu năm 2023.

Đầu tư ENERGY Việt Nam được thành lập tháng 5/2022, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Quang Chung. Theo tìm hiểu, ông Chung là người đại diện theo pháp luật Văn phòng đại diện - Công ty CP Thủy điện Phúc Long, Văn phòng đại diện - Công ty CP Phát triển điện Đông Dương (tên cũ là Công ty CP Thủy điện Nậm Pan 2), Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sử Pản 2. Được biết, cả Thủy điện Phúc Long, Phát triển điện Đông Dương, Thủy điện Sử Pản 2 đều có vốn góp của Công ty CP Năng lượng An Xuân (An Xuân Group) - một trong những thành viên liên danh đang đề xuất tỉnh Quảng Trị xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu địa điểm đầu tư Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng (tại huyện Hải Lăng) quy mô 7,5 tỷ USD.

Theo giới thiệu trên website chính thức của An Xuân Group, doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư phát triển các dự án về năng lượng, gồm các dự án thủy điện, dự án điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối. Hiện nay, Công ty đã có 4 nhà máy thủy điện hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 94,5 MW và đang đầu tư Dự án Thủy điện Simacai tại tỉnh Lào Cai cùng một số dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Điện Biên với tổng công suất 100 MW. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, do ông Trần Đức Thành làm Tổng giám đốc.

Chuyên đề