Vụ nhà 8B Lê Trực: Vì sao chưa chốt hạn cưỡng chế?

Theo đại diện phòng xây dựng và giao thông của UBND TP.Hà Nội, hiện vẫn chưa có thời hạn cụ thể phải tháo dỡ xong phần sai phạm nhà 8B Lê Trực.
Diện tích vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực đã được UBND TP Hà Nội chỉ rõ từ nhiều tháng nay. Ảnh: Dân Trí
Diện tích vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực đã được UBND TP Hà Nội chỉ rõ từ nhiều tháng nay. Ảnh: Dân Trí

Xung quanh thông tin Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị thành phố chỉ đạo UBND quận Ba Đình và các phòng ban chức năng của quận có ý kiến về thời gian, tiến độ thực hiện phá dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực, chiều ngày 29/2, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Nguyễn Thụ Đát - Trưởng phòng xây dựng và giao thông (Văn phòng UBND TP.Hà Nội) cho biết:

"Hiện tại đang lên phương án tháo dỡ rồi còn phải phê duyệt dự toán, chưa làm xong phương án đấy nên chưa đưa ra thời hạn cụ thể phải tháo dỡ xong phần sai phạm của tòa nhà  8B Lê Trực. Đây là nhà nước tháo dỡ nên phải làm cẩn thận"

Ông Đát cho biết thêm: "Về tiến trình tháo dỡ thì phương án đưa ra vẫn là phải làm nhanh nhất có thể, tuy nhiên đợi phê duyệt phương án trên rồi từ đấy mới quyết định thời hạn, việc tháo dỡ là bắt buộc vì quận cưỡng chế rồi"

Về vấn đề này, như thông tin báo chí đã đưa, ông  Nguyễn Phong Cầm – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, ngày 9/1 đã ký Quyết định 32 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực.

Theo Quyết định này, phương án phá dỡ phần sai phạm ở tòa nhà 8B Lê Trực phải đảm bảo đúng chỉ đạo trước đó của UBND TP Hà Nội.

Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế của UBND quận Ba Đình cũng giao chủ tịch UBND phường Điện Biên có trách nhiệm giao quyết định quyết định cưỡng chế đến Công ty cổ phần May Lê Trực. Đồng thời ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn, thẩm tra phương án phá dỡ.

Quyết định cũng nêu rõ chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của lực lượng thi hành cưỡng chế, chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí lập, thẩm định phương án, chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ đối với diện tích xây dựng sai phép.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có kết luận về sai phạm của công trình 8B Lê Trực.

Cụ thể, về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Về diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2 (giấy phép xây dựng là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư