Vụ Asanzo: Các cơ quan chức năng nói gì?

(BĐT) - Tổng cục Hải quan vừa công bố báo cáo chỉ ra dấu hiệu về 4 vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo). Trong khi đó, tại cuộc họp với cơ quan hải quan ngày 28/10, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Asanzo phạm tội và cần cơ quan điều tra làm việc một cách thấu đáo.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Dấu hiệu của 4 vi phạm

Theo Tổng cục Hải quan, các dấu hiệu vi phạm là: vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu), vi phạm liên quan đến cáo buộc lừa dối người tiêu dùng, vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hành vi vi phạm về trốn thuế.

Cụ thể, kết quả giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xác định: dấu hiệu “Asanzo và hình” gắn trên sản phẩm và bao bì máy làm mát là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano và hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương.

Về “lừa dối người tiêu dùng”, kết quả kiểm tra và xác minh của cơ quan hải quan nêu rõ: “Đối chiếu video quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền, lắp ráp ti vi bằng máy móc, thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sở sản xuất cho thấy, thực tế hoạt động lắp ráp không đúng như quảng cáo”.

Tương tự, việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.

Liên quan đến xuất xứ hàng hóa, theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường, tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1 - 2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm. Như vậy, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Về hành vi vi phạm về trốn thuế, cơ quan chức năng cũng chỉ ra các sai phạm của Asanzo, trong đó, các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Tổng số thuế truy thu và phạt là hơn 47,6 tỷ đồng. 

“Mới gia công bằng tua-vít, chưa thể chứng nhận xuất xứ”

Thông tin về nội dung chuyển giao công nghệ của Asanzo, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ thuộc Bộ KH&CN khẳng định: “Ngày 12/8/2019, Bộ KH&CN có công văn trả lời Asanzo là hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Asanzo và Công ty Sharp-Roxy (Hong Kong) chưa thể hiện nội dung về chuyển giao công nghệ theo quy định, chưa đủ cơ sở để cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ, tức là không đủ điều kiện cấp giấy chứ không phải là chờ đợi để được cấp giấy như ý kiến của Asanzo”.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Asanzo, bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đến nay, VCCI chưa tiếp nhận hồ sơ khai báo thương nhân của Công ty - thủ tục đầu tiên trước khi doanh nghiệp đề nghị cấp C/O, và VCCI cũng chưa từng làm thủ tục cấp C/O cho bất kỳ lô hàng nào của Asanzo. Bên cạnh đó, trong toàn bộ dữ liệu cấp C/O của VCCI đến nay chưa có dữ liệu thông tin của Asanzo.

Về quy định quy tắc xuất xứ cho sản phẩm, theo bà Hương, trước khi đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ, sản phẩm phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản, sau đó mới đến quy tắc xuất xứ cụ thể cho từng sản phẩm. “Nếu theo báo cáo của cơ quan chức năng là doanh nghiệp chỉ có công đoạn gia công bằng tua-vít và vặn xoáy thì rõ ràng là không vượt qua công đoạn gia công đơn giản nên khỏi phải đi vào xem xét quy tắc xuất xứ cụ thể”, bà Hương khẳng định.

Trong khi đó, ông Lại Anh Tuấn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu quan điểm: “Báo cáo của Tổng cục Hải quan và ý kiến của các cơ quan chức năng như trên là chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo có phạm tội hay không mà mới dừng ở việc có dấu hiệu vi phạm. Do đó, cần cơ quan điều tra vào cuộc, nghiên cứu một cách thấu đáo. Chẳng hạn, Công ty khai báo là mua bán rất nhiều hàng hóa nhưng có khi việc khai báo chỉ nhằm mục đích nâng cao giá trị hình ảnh Tập đoàn mà không hẳn là có thực”.

Dự kiến, ngày 30/10, cơ quan chức năng sẽ công bố kết luận cuối cùng về vụ việc này.

Chuyên đề