Vụ án xăng giả giải mã hiện tượng xe đang chạy bỗng nhiên cháy

(BĐT) - Từ năm 2012, dư luận đã liên tục nóng lên với hàng loạt vụ các phương tiện giao thông “bỗng dưng bốc cháy” xảy ra trên khắp cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, từ vụ án xăng giả, cơ quan điều tra đã có lời giải thích cho hiện tượng này.
Xăng dầu sản xuất trong nước luôn tuân thủ chặt chẽ quy định kiểm soát chất lượng
Xăng dầu sản xuất trong nước luôn tuân thủ chặt chẽ quy định kiểm soát chất lượng

Đã có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây cháy do chất lượng xăng dầu đang lưu thông trong nước không đảm bảo chất lượng. Thậm chí quy chụp cho xăng sinh học E5 (Ethanol) là thủ phạm.

Sau một thời gian dài tranh cãi, câu chuyện đã phần nào sáng tỏ trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ngày 15/8 khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng: “Đường dây xăng giả mà Công an Đắc Nông phát giác đã hoạt động nhiều năm, cung cấp xăng giả trên nhiều tỉnh phía Nam, thậm chí đã ra cả một số tỉnh phía Bắc. Vấn đề xăng giả này giải thích cho hiện tượng nhiều phương tiện đang đi bình thường mà bốc cháy xảy ra thời gian qua, vì có nhiều chất tạo cháy trong đó. Việc này cũng giúp các lực lượng có thêm kiến thức, kỹ năng để ngăn chặn các tội phạm trong lĩnh vực này”. 

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái đang có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhất là bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý, kiểm soát.

Trong thực tế, xăng dầu là mặt hàng năng lượng được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất, phân phối cho đến tay người tiêu dùng. Ở Việt Nam, nguồn xăng dầu sản xuất trong nước được cung cấp chủ yếu bởi đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) hoặc đơn vị liên doanh với PVN (Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn) và một số nhà máy chế biến khí hóa lỏng nhỏ lẻ khác. Tổng sản lượng cung cấp ra thị trường từ hai nhà máy này có thể đáp ứng khoảng 80 - 85% nhu cầu xăng dầu nội địa.

Với vai trò vừa là đơn vị sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam, PVN và các đơn vị thành viên đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm xăng dầu đến tận tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trực tiếp tại các cây xăng và các đầu mối xăng dầu trên cả nước. Sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có mặt tại hầu hết các cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Sài Gòn Petro, Xăng dầu Quân đội, Petimex Đồng Tháp, Thalexim… và sau đó được cung cấp đến người tiêu dùng.

Quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các nhà máy lọc hóa dầu được thực hiện và giám sát chặt chẽ từ khâu chế biến, pha trộn sản phẩm thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng được chuẩn hóa theo ISO 9001. Theo đó, sản phẩm trước khi xuất bán bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn cơ sở riêng của từng nhà máy và chắc chắn đáp ứng các quy định hiện hành về chất lượng của Nhà nước. Ngoài ra, định kỳ hàng năm các đơn vị của Tổng cục Đo lường chất lượng đến các nhà máy để đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và lấy mẫu kiểm tra. Thậm chí, trong các trường hợp cụ thể các sản phẩm này còn phải đạt các yêu cầu cao và ngặt nghèo hơn theo các hợp đồng thương mại.

Tổng kho xăng dầu Đình Vũ cung cấp xăng dầu cho hầu hết tỉnh, thành Bắc Bộ

Trong phân phối, các đơn vị kinh doanh xăng dầu của PVN luôn thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước nhằm đảm bảo mỗi lít sản phẩm phân phối ra thị trường đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Để kiểm soát chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn công bố áp dụng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, PV OIL đã tiến hành ký hợp đồng với các đơn vị chức năng để tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiến hành các thủ tục chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm xăng dầu được nhập khẩu và pha chế tại đơn vị. Khi xuất bán cho khách hàng, với mỗi mặt hàng, luôn thực hiện kiểm tra phương tiện trước khi cấp hàng nhằm đảm bảo xăng dầu không bị thay đổi chất lượng sau khi nhận hàng.

Các phương tiện đến nhận hàng tại kho của đơn vị đều được cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc và kèm theo chứng thư chất lượng sản phẩm của lô hàng tương ứng, cung cấp mẫu lưu và lưu mẫu đúng quy định, thực hiện niêm phong đầy đủ các hầm chứa hàng của phương tiện trước khi rời kho... Đặc biệt, nếu phát hiện bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu dù nhỏ nhất cũng phải ngay lập tức báo cáo, truy tìm nguyên nhân để kịp thời xử lý.

Các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm là vậy, nhưng việc quản lý, kiểm soát xăng giả trên thị trường vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay khi xảy ra vụ đường dây sản xuất xăng giả của đối tượng Trịnh Sướng, Bộ Công Thương cho kiểm tra và phát hiện một số vấn đề.

Cụ thể là không có sự phối hợp kịp thời hiệu quả của các lực lượng quản lý thị trường, lực lượng khoa học công nghệ với Ban 389 (Ban Chỉ đạo đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả và gian lận thương mại) tại địa phương để phát hiện kịp thời những mặt hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Trong khi chờ đợi kết luận của cơ quan công an để làm rõ trách nhiệm cũng như chỉ rõ những lỗ hổng pháp luật, Bộ Công Thương đã chỉ đạo để chấn chỉnh kịp thời hoạt động kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các địa phương. Bộ cũng yêu cầu tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Có thể thấy rằng, cuộc chiến chống hàng giả hàng nhái luôn cam go và phức tạp, đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu, bởi chúng liên quan đến tài sản, tính mạng của người dân. Để có thể chiến thắng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ người dân, các đơn vị sản xuất xăng dầu trong nước, các cơ quan chức năng thực hiện thanh kiểm tra liên tục, đảm bảo chất lượng nhiên liệu lưu thông trên thị trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư