Vinalines thoát dần “hố đen” thua lỗ

Lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ dập mặt, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - ông lớn trong lĩnh vực vận tải và khai thác cảng biển - đã báo lãi dù khá mỏng.
Năm 2016, Vinalines đặt mục tiêu doanh thu cao hơn so với năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh
Năm 2016, Vinalines đặt mục tiêu doanh thu cao hơn so với năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh

Tin tốt trước thềm IPO

Với lợi nhuận hợp nhất năm 2015 ước đạt 40,3 tỷ đồng, Vinalines đã có thể công bố cơ bản hoàn thành vượt mức lộ trình tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty theo yêu cầu của Chính phủ kéo dài 3 năm (2012 - 2015).

Đây là kết quả gây nhiều ngạc nhiên, bởi vào giữa tháng 6/2015, lãnh đạo Vinalines mới chỉ dám đặt mục tiêu giảm dần mức lỗ, riêng Công ty mẹ cân bằng được tài chính và có lợi nhuận lợi nhuận trong năm 2015.

Mặc dù Vinalines không phân khai cụ thể, nhưng chắc chắn, số tiền thu được từ các đợt thoái vốn một loạt cảng biển lớn như Đoạn Xá, Quy Nhơn, Cái Lân hoặc từ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) như Cảng Sài Gòn cũng góp phần đem lại lợi nhuận thực dương cho Tổng công ty.

Cần phải nói thêm rằng, kết quả kinh doanh của Vinalines trong giai đoạn 2011 - 2014 là rất xấu, với kỷ lục thua lỗ được xác lập vào năm 2012 là âm 8.171 tỷ đồng, trước khi giảm xuống còn âm 3.178 tỷ đồng khi năm tài chính 2014 kết thúc.

“Không chỉ lợi nhuận, mà hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh chính của Tổng công ty đều cho kết quả khá tích cực, trong đó, sản lượng vận tải hàng hóa và sản lượng hàng hóa thông qua cảng lần lượt tăng 3% và 8% so với năm 2014”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Đặc biệt, tính đến ngày 31/12/2015, dư nợ của Công ty mẹ chỉ còn 6.189 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng thời điểm 2 năm trước (11.425 tỷ đồng). Như vậy, Vinalines đã tái cơ cấu thành công được trên 8.000 tỷ đồng nợ, trong đó khoanh nợ gốc được gần 1.800 tỷ đồng, giảm nợ được gần 6.300 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, Công ty mẹ Vinalines đã giảm được gần 4.500 tỷ đồng nợ, trong đó xóa được 2.119 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công, mặc dù mức lợi nhuận đạt được trong năm 2015 còn khá mỏng, đặc biệt nếu xét về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, nhưng đây thực sự là cú hích không thể tốt hơn trước khi doanh nghiệp “anh cả” trong lĩnh vực vận tải và khai thác cảng tiến hành IPO trong quý I/2016.

Được biết, Vinalines đã chốt thời gian IPO Công ty mẹ - Tổng công ty là phải xong trước quý I/2016 với giá trị phần vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa là 35% vốn điều lệ.

Trước đó, vào ngày 31/12/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2013 của Công ty mẹ Vinalines là 21.287,2 tỷ đồng; giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng.

Gánh nặng vận tải biển

Theo đánh giá của Vinalines, lĩnh vực vận tải biển vẫn tiếp tục là gánh nặng đối với Tổng công ty trong năm 2016. Công bố của Vinalines cho thấy, chỉ số thị trường tàu hàng khô (BDI) tính đến cuối năm 2015 chỉ còn 474 điểm, thấp nhất trong vòng 31 năm trở lại đây, chủ yếu do dư thừa nguồn cung tàu kéo dài và sự co lại của hoạt động vận chuyển các mặt hàng chính như quặng sắt, than. Bước sang năm 2016, với sự giảm tốc của kinh tế thế giới, dư thừa lượng tàu khô, tàu dầu được dự báo còn lớn hơn.

Trong khi giá cước ở mức thấp, giá dầu biến động liên tục, đội tàu có trọng tải 2,15 triệu tấn, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu quốc gia của Vinalines vẫn chưa thể khắc phục được những khó khăn cố hữu như tuổi tàu cao, chi phí vận hành lớn, cơ cấu đội tàu không hợp lý - thừa tàu hàng rời, thiếu tàu container…

Được biết, mặc dù lãnh đạo Vinalines tích cực làm thị trường, thậm chí năn nỉ các chủ hàng lớn, nhưng đội tàu Vinalines vẫn không thể tiếp cận, do sức cạnh tranh “đuối” hơn đội tàu tư nhân.

Đây là lý do khiến việc tái cơ cấu đội tàu, hay nói chính xác là phải sàng lọc, thanh lý một lượng lớn tàu biển kinh doanh không hiệu quả, bao gồm cả đội tàu của Công ty mẹ, được đánh giá là nhiệm vụ cấp thiết của Vinalines lúc này. Bước sang năm 2016, các doanh nghiệp vận tải biển của Vinalines đã lên kế hoạch bán khoảng 400.000 tấn tàu, khiến trọng tải đội tàu của Tổng công ty giảm khoảng 13% so với năm 2015, kéo theo sự sụt giảm về sản lượng vận chuyển hàng hóa.

“Khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu đội tàu Vinalines chính là suất đầu tư đội tàu cao, do nhiều tàu được đầu tư vào đúng thời điểm thị trường vận tải biển ở đỉnh cao (năm 2007 - 2008). Tuy nhiên, nếu chờ đến lúc thị trường phục hồi, thì đội tàu cũng đã già, chi phí bảo dưỡng rất tốn kém, nên Vinalines phải chấp nhận bán cắt lỗ để giảm gánh nặng tài chính cho đơn vị”, lãnh đạo Vinalines cho biết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư