Việt Nam, thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam năm 2021 vẫn đạt được kết quả đầy ấn tượng với 1,353 tỷ USD. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Sức hút này đang đến từ đâu?
Đầu tư khởi nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021, đạt hơn 1,353 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư khởi nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021, đạt hơn 1,353 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

“Thỏi nam châm” hút vốn đầu tư

Những ngày cuối tháng 12 năm 2021, Ví điện tử MoMo tiếp tục công bố tin vui hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho - Ngân hàng Toàn cầu Nhật Bản.

Chia sẻ niềm vui này, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng Tổng giám đốc MoMo cho biết, khoản đầu tư này thể hiện sự tin tưởng từ các nhà đầu tư toàn cầu vào sứ mệnh của MoMo giúp MoMo củng cố vị trí trên thị trường.

MoMo - nền tảng ứng dụng fintech dành cho người Việt được xây dựng hoàn toàn bởi bàn tay và khối óc của các kỹ sư Việt Nam đang được hàng triệu khách hàng tin dùng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, MoMo có sự phát triển bứt phá, số lượng khách hàng tăng đột biến. Đến nay, ví điện tử này cung cấp các dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng, liên tiếp hút đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại.

Ngoài MoMo, năm 2021, giới kinh doanh Việt Nam cũng chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư lớn khác của các quỹ ngoại vào startup Việt. Điển hình là thương vụ phần mềm quản lý bán hàng KiotViet công bố Quỹ đầu tư quốc tế KKR tham gia đầu tư chính trong vòng gọi vốn Series B, trị giá 45 triệu USD. Hay VNLife - một công ty khởi nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp ngân hàng, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ mới đã huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ các nhà đầu tư Mỹ (gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group). Khoản đầu tư này được VNLife sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng các mảng kinh doanh hiện tại, và hỗ trợ phát triển nền tảng cũng như công nghệ mới, nhằm phục vụ tốt hơn đối tác bán hàng và người tiêu dùng Việt Nam.

Tiếp đó là Startup Kobiton - sản phẩm phần mềm được sáng lập năm 2016 từ đội ngũ lãnh đạo và kỹ sư người Việt tại Công ty KMS Technology, công bố huy động thêm 12 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ để đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường…

Trong chia sẻ mới đây, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, đến nay Việt Nam có khoảng 3.800 startup, với 2 kỳ lân (VNG, VNPay) và có 11 startup được định giá trên 100 triệu USD. Trong năm 2021, bất chấp những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, thu hút đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng.

Theo ông Quất, nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút đầu tư như: công nghệ tài chính (fintech), game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử… Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore và Indonesia).

Số liệu của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, Việt Nam đang trở thành thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn. Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu như năm 2016, đầu tư cho khởi nghiệp đạt 205 triệu USD, tăng lên 291 triệu USD trong năm 2017 và đạt trên 860 triệu USD năm 2018 và năm 2019. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh trên toàn cầu khiến hoạt động đầu tư này cũng bị ảnh hưởng, giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, sang năm 2021, đầu tư khởi nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,353 tỷ USD.

Khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đang hoạt động tại 6 thị trường ở Đông Nam Á cũng cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới với các lĩnh vực mới nổi là giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính.

Tích cực quy tụ hạt giống, chủ động mở rộng kết nối

Đề cập về sức hút của startup Việt, chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam nhìn nhận, kết quả đầu tư nêu trên cho thấy, thị trường Việt Nam rất tiềm năng, và nhà đầu tư đặt kỳ vọng về sự bứt phá của thị trường với việc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện. Điều này cho thấy, nhà đầu tư tin tưởng vào sự phát triển của thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, cơ chế pháp lý nhằm hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định ngày một rõ ràng, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong khu vực.

Đặc biệt, với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ, năm 2021, NIC tiếp tục triển khai nhiều hoạt động góp phần đưa Việt Nam trở thành thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn.

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra kéo dài suốt 2 năm qua, các hoạt động của NIC vẫn được tổ chức thường xuyên, liên tục thông qua hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp như: Hội thảo Tiềm năng kinh tế số Việt Nam; Hội thảo Khởi nghiệp ngành kỹ thuật và công nghệ từ tư duy đổi mới sáng tạo; công bố Dự án Hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo; công bố Chương trình hoạt động nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp; phối hợp thực hiện Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020...

Nhằm quy tụ tri thức, chuyên gia người Việt trên thế giới để đóng góp, tham gia thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam ta đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy tri thức, công nghệ trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, chúng ta đã thiết lập được mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ.

Năm 2021, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu; mạng lưới đổi mới sáng tạo và trí thức Việt Nam tại Đài Loan đã được ra mắt. Như vậy, đến nay các mạng lưới này đã quy tụ được hàng nghìn thành viên tiêu biểu là người Việt ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để triển khai hoạt động kết nối, hỗ trợ NIC tiếp cận hiệu quả hơn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại các nước phát triển.

“Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Đã có nhiều kết quả từ mạng lưới này như: kết nối các kỹ sư hàng đầu về pin điện, điện hóa tại Nhật Bản, Hoa Kỳ tham gia sản xuất pin điện cho Tập đoàn VinFast; hỗ trợ nhóm các chuyên gia về gene, AI là thành viên mạng lưới thành lập Trung tâm giải mã gene lớn nhất Đông Nam Á đặt tại NIC; hỗ trợ CEO Got It - thành viên Mạng lưới - xây dựng nền tảng đào tạo STEAM trực tuyến và miễn phí cho hàng chục nghìn học sinh THCS, THPT tại Việt Nam…

Chuyên đề