Vào cuộc tháo gỡ khó khăn định mức, đơn giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những bất cập xung quanh định mức, đơn giá là vướng mắc lớn đối với triển khai công trình giao thông, gây nhiều khó khăn cho nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp liên tục phản ánh phải tự bù chi phí để thi công công trình đúng tiến độ. Sự gồng mình chịu lỗ của nhà thầu không thể kéo dài, trong khi áp lực tiến độ, khối lượng công việc rất lớn.
Nhiều định mức xây dựng theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều định mức xây dựng theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường. Ảnh: Lê Tiên

Chi phí nhân đôi, nhân ba

"Theo đơn giá ban hành của các địa phương trên địa bàn dự án, giá nhân công các bậc chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Thực tế, trên thị trường lao động phổ thông, giá nhân công chưa qua đào tạo đã 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Ngày nghỉ, ngày lễ phải nhân đôi, nhân ba nhưng không có định mức, dự toán nào tính cho", đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho hay tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng do Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 29/1/2024.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay, hiện có nhiều định mức xây dựng theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD (TT12) không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường, đồng thời định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ.

Ngoài ra, các định mức về vận chuyển, cấp phối đá dăm, đắp đất cải tiến, cọc khoan nhồi, cọc xi măng đất... cũng rất bất cập, vô lý. Ví dụ, định mức thi công móng cấp phối đá dăm thì hao phí vật liệu là 1,42 m3 đá/1 m3 móng hoàn thiện, trong khi TT12 quy định là 1,34 m3/1 m3. Tương tự, chi phí ca máy thi công khoảng 1,5 triệu đồng/m3 bê tông, trong khi theo TT12 là 0,5 triệu đồng/m3 bê tông.

Cũng gặp khó khăn tương tự, ông Trần Văn Giầu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, nhà thầu thi công dự án đang phải trả lương cho người lao động từ 14 - 17 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương bình quân địa phương ban hành. Bên cạnh đó, chi phí thuê thép hình trên thị trường khoảng 700.000 - 900.000 đồng/tấn/tháng, trong khi định mức đơn giá của Nhà nước chỉ khoảng 255.000 đồng/tấn/tháng.

Với nhà thầu tư vấn, đại diện Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, chi phí tư vấn cho công trình giao thông thấp hơn nhiều so với công trình dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong khi đó, đặc thù công trình giao thông thường trên địa hình trải dài, phức tạp. Một số định mức chi phí thiết kế công trình chưa phù hợp.

Theo nhiều nhà thầu, sự chênh lệch giữa định mức, đơn giá với chi phí xây dựng thực tế thời gian qua ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án, nhà thầu phải chấp nhận lỗ để thi công dự án đúng tiến độ đã cam kết.

Trong quý I/2024, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành bổ sung 318 mã định mức, Bộ Giao thông vận tải sẽ ban hành mới và điều chỉnh bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền. Ảnh: Nhã Chi

Trong quý I/2024, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành bổ sung 318 mã định mức, Bộ Giao thông vận tải sẽ ban hành mới và điều chỉnh bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền. Ảnh: Nhã Chi

Rõ trách nhiệm, cùng tháo gỡ vì lợi ích chung

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, năm 2021, Bộ đã ban hành TT12 trong đó cập nhật, bổ sung gần 989 mã định mức. Tuy nhiên, khi thi công thực tế có nhiều thay đổi, từ công nghệ, địa chất địa hình đến điều kiện thi công, vì thế định mức luôn phải rà soát, sửa đổi, cập nhật, quan trọng là kịp thời và xác định rõ thẩm quyền ban hành. Dự kiến, trong quý I/2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 mã định mức theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải sẽ ban hành mới và điều chỉnh bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung định mức còn thiếu hoặc không phù hợp do công nghệ, điều kiện thi công thay đổi hoặc do vật liệu xây dựng mới", ông Bùi Hồng Minh khẳng định. Đồng thời, theo ông Minh, ngay sau cuộc họp, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải sẽ thành lập 1 tổ công tác để lắng nghe, tiếp nhận các vướng mắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành đã cơ bản đầy đủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, các dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù vẫn còn nhiều vướng mắc. "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dữ liệu, số liệu để Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn việc xác định giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ làm cơ sở triển khai, thực hiện", ông Tuấn chia sẻ.

Đại diện Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ một thực tế, theo quy định, nếu địa phương công bố đơn giá nhân công, ca máy, thiết bị chưa phù hợp, chủ đầu tư có thể tự tổ chức xác định, áp dụng định mức riêng phù hợp đặc thù công trình, chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư ngại giải trình khi thanh tra, kiểm toán, trong khi cơ quan thanh tra, kiểm toán lại thường căn cứ công bố giá của địa phương.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, quy định hiện hành đã phân cấp, không chỉ Bộ Xây dựng ban hành định mức mà cả bộ chuyên ngành, địa phương, chủ đầu tư. Vì thế, cần làm rõ vấn đề nào thuộc trách nhiệm của ai, bộ hay địa phương, từ đó có kế hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung ban hành quy định mới, tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc hiện hữu.

“Hiện nay có xu hướng lo ngại rủi ro thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý thiên về an toàn cho mình, thì khó khăn, rủi ro sẽ đẩy cho nhà thầu. Nỗ lực đột phá của ngành giao thông sẽ không thực hiện được nếu vẫn vướng ở định mức. Việc tháo gỡ khó khăn chậm ảnh hưởng đến tiến độ dẫn đến thiệt hại lớn hơn nhiều so với việc du di định mức có lợi cho doanh nghiệp một chút”, ông Lộc nêu quan điểm. Đồng thời, đề nghị Tổ công tác rà soát từng chi phí, tất cả các bên cùng tham gia, vì lợi ích của đất nước.

Chuyên đề