Vận tải hành khách công cộng TP. HCM: Không đấu thầu, DN ì ạch không chịu chuyển đổi

(BĐT) - Đó là câu chuyện đã và đang tồn tại trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng – một dịch vụ công cộng điển hình nhất của TP.HCM.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đại biểu HĐND TP.HCM Lâm Thiếu Quân cho biết, hiện TP.HCM đang có quá nhiều đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe bus (21 đơn vị).

Hơn 10 năm qua, cơ chế vận hành và quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả. Với 100% các đơn vị vận tải không chịu thay đổi phương thức kinh doanh, tái cơ cấu để phù hợp với tình hình, chỉ trông chờ vào trợ giá dẫn đến chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống. Trong bối cảnh hiện nay, rất khó khăn để Nhà nước tổ chức trợ giá gián tiếp.

“Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự ì ạch, chậm chuyển đổi của các đơn vị vận tải này chính là thiếu việc bắt buộc đấu thầu các tuyến trợ giá, dẫn tới thiếu cạnh tranh minh bạch và công bằng”, ông Quân nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện các hợp tác xã (HTX) vận tải Đông Nam, HTX 11 đều có chung tâm tư: “Thời gian qua, chúng tôi liên tục tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe bus, để đáp ứng sự phát triển trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, khách quan mà nói, những chuyển đổi này vẫn chưa mạnh mẽ và hiệu quả dài lâu, đang lấy ngắn nuôi dài, phụ thuộc khá nhiều vào trợ giá của ngân sách”.

“Sự trợ giá của Nhà nước cho dịch vụ vận tải hành khách công cộng sẽ là miếng đất màu mỡ cho tình trạng độc quyền nếu như công tác đấu thầu không thực hiện rộng rãi. Và nguy hiểm nhất, bản thân các doanh nghiệp không chuyển đổi hình thức hoạt động, tái cơ cấu để sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn”, đại diện HTX 11 khẳng định.

HTX Quyết Thắng từng kiến nghị Sở GTVT TP.HCM và Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt nên lựa chọn những tuyến không hiệu quả để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và giảm trợ giá nhà nước. HTX này cho biết, không nên đấu thầu đại trà những tuyến thật sự hiệu quả (sản lượng cao, trợ giá thấp) để các doanh nghiệp vận tải ổn định hoạt động và công nhân yên tâm sản xuất.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết, TP.HCM nên giảm số đơn vị vận tải hành khách công cộng như hiện nay xuống còn tối đa không quá 10 đơn vị để chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, xóa hình thức HTX vận tải mà chuyển thành công ty cổ phần mới huy động được vốn và nâng cao chất lượng  quản lý.

Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014 /NĐ-CP đã quy định chi tiết về đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Tại TP.HCM, từ năm 2015, UBND TP.HCM bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện việc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công đến mọi lĩnh vực. Đây là những nỗ lực nhằm công khai, minh bạch quy chế, sự phân công và thủ tục, hồ sơ đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ công  tại TP.HCM, đồng thời giúp chuyển đổi hiệu quả mô hình hoạt động của các DN công ích.

Chuyên đề