Trên thực tế, việc lựa chọn doanh nghiệp để thanh tra chưa minh bạch, hiệu quả. Ảnh: Tiên Giang |
Chưa minh bạch, hiệu quả trong lựa chọn đối tượng thanh tra
Đề cập về một số hạn chế trong pháp luật về thanh tra hiện hành, tại Hội thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh tổ chức tuần qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Điều 37 Luật Thanh tra cho phép cơ quan nhà nước lựa chọn đối tượng thanh tra dựa trên kế hoạch thanh tra; chức năng, nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành; dấu hiệu vi phạm pháp luật. Song trên thực tế, việc lựa chọn đối tượng thanh tra lại chưa minh bạch, hiệu quả. “Trên thực tế, một DN có thể phải tiếp 16 - 17 đoàn thanh tra trong một năm. Ngay cả ở một lĩnh vực, đoàn thanh tra này vừa ra thì đoàn thanh tra khác lại vào... DN nào “không biết điều”, “không chịu chi” sẽ bị kiểm tra thường xuyên, ngược lại, DN nào “quan hệ tốt” thì sẽ ít bị hoặc không bị thanh tra” – ông Đậu Anh Tuấn nêu dẫn chứng.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI lo lắng, hiện DN đang quan ngại lớn về sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn cho người dân và DN. Kết quả khảo sát của VCCI chỉ ra, hiện DN Việt Nam đang phải chịu “vấn nạn” thanh, kiểm tra chồng chéo, nhất là những cuộc thanh tra chuyên ngành.
Chia sẻ “nỗi niềm” trên, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, theo phản ánh cho thấy còn có những DN bị kiểm tra hàng tuần. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đại diện Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng nêu thực tế, qua tập trung thanh tra quản lý nhà nước trong đầu tư cho thấy, có khó khăn lớn là giữa thanh tra và kiểm toán chồng chéo rất nhiều, đến chỗ nào cũng gặp kiểm toán, có khi đến một tỉnh gặp 2 đoàn kiểm toán đang làm việc. Vị đại diện Thanh tra Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện nay hoạt động của kiểm toán cũng giống hệt như thanh tra, dẫn đến tình trạng gây khó khăn phiền hà cho địa phương, DN.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN
Theo đó, một trong những điểm mới được đánh giá cao tại Nghị quyết 35/NQ-CP được Chính phủ ban hành giữa tháng 5/2016 là Chính phủ đã chỉ rõ: Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, hỗ trợ, hướng dẫn DN tuân thủ các quy định của pháp luật. Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá 1 lần/năm). Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán DN để tránh trùng lặp, chồng chéo…
Thay mặt cộng đồng DN, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, việc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra thường xuyên phải áp dụng trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, hậu quả lớn thì tần suất thanh tra cao hơn. Đối tượng có nguy cơ thấp thì có tần suất thanh tra thấp hơn. Việc xác định nguy cơ cao hay thấp phải dựa trên tiêu chí rõ ràng, công khai.
“Trước yêu cầu nóng bỏng về cải cách hành chính và cải cách tư pháp như hiện nay thì việc quan tâm gỡ bỏ hạn chế, vướng mắc trong công tác thanh tra phải là một trong những ưu tiên nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN trong thời gian tới” - ông Vũ Tiến Lộc quả quyết.