Kể từ khi Big C về tay người Thái, hàng hóa Việt Nam ngày một “vắng bóng” trên kệ của siêu thị này |
Tại hội thảo Thị trường bán lẻ Việt Nam cơ hội và thách thức được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Thanh Bình (Học viện Ngân hàng) cảnh báo một điều rất đáng lo ngại rằng, sản phẩm của các công ty Việt đang ngày một “vơi” dần sau khi nhiều hệ thống siêu thị Việt rơi vào tay chủ ngoại.
“Trước khi tiến hành thâu tóm hệ thống siêu thị tại Việt Nam, các đại gia ngoại luôn cam kết rằng, họ sẽ ưu tiên số 1 cho hàng Việt. Song trên thực tế, họ đều làm ngược lại. Bằng chứng là sau khi Tập đoàn bán lẻ BJC của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Metro, hàng hóa của nước này đã dần phủ đầy các kệ hàng ở vị trí đẹp nhất. Ngay cả hệ thống các cửa hàng tiện lợi như B’smart, sau khi vào tay người Thái, thì hàng Việt cũng dần bị đẩy ra khỏi kệ. Họ đang có chiến lược rất rõ ràng để từng bước đưa hàng của nước họ vào siêu thị để thay thế hàng Việt. Nếu trước đây hàng Việt chiếm 10 phần, thì nay giảm chỉ còn 2-3 phần”, ông Bình cho biết .
Tăng chiết khấu là một trong những phương pháp đang được các ông chủ ngoại áp dụng triệt để, nhằm từng bước đẩy hàng hóa và DN Việt Nam ra khỏi hệ thống bán lẻ của mình một cách dễ dàng và hợp lý nhất.
“Hiện nay, một số siêu thị nội đưa ra mức chiết khấu tương đối ‘dễ thở’ cho DN sản xuất chỉ từ 1-2% trên doanh thu. Trong khi đó, hệ thống siêu thị ngoại mức chiết khấu vốn đã quá cao (trên 10%), nay còn đòi tăng thêm từ 4-5%”, ông Bình nhấn mạnh.
Đây cũng chính là lý do khiến Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải gửi công văn đề nghị hệ thống Big C Việt Nam không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016 và giảm tổng mức chiết khấu xuống tối đa là 15%. Vừa qua, hệ thống siêu thị này đã yêu cầu tăng thêm mức chiết khấu từ 4,25-5% so với năm 2015, khiến các DN Việt sẽ phải chịu mức chiết khấu từ 17-20%, thậm chí có mặt hàng còn lên tới 25%.
“Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tổng mức chiết khấu 10% đã gần như quá sức đối với doanh nghiệp. Vậy mà Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không DN nào đáp ứng nổi, nếu chấp nhận thì chỉ có thua lỗ”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP bức xúc.
Không chỉ tăng mức chiết khấu, các DN Việt còn chịu nhiều sự o ép khác. Đại diện Công ty Saigon Food cho hay, các siêu thị ngoại gần như đang chiếm dụng vốn của đơn vị cung ứng khi kéo dài thời gian thanh toán từ 30 ngày như trước đây, lên đến 45 ngày. Ngoài ra, họ cũng liên tục tăng chiết khấu, phí mở mã hàng, phí hỗ trợ các chương trình sinh nhật khuyến mãi, phí chiết khấu tỷ lệ hàng hỏng, thậm chí còn đòi giảm doanh thu so với cam kết đã ký với DN để đạt mức thưởng của năm…
Để phản ứng lại những đòi hỏi trên, nhiều DN Việt Nam có thương hiệu và uy tín đã ngừng cung cấp hàng hóa cho Metro, Big C.
Tuy nhiên, đại diện Saigon Food cho biết, dù từ lâu đã không có lợi nhuận khi cung cấp hàng hóa cho 2 hệ thống siêu thị này, song vì là DN nhỏ nên vẫn phải cố cầm cự để chờ đợi động thái thay đổi chính sách từ chủ siêu thị.
TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, với lợi thế về quy mô dân số và xu hướng tiêu dùng hiện đại, Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ giàu tiềm năng và hấp dẫn, cả trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, với việc ký kết một loạt các các hiệp định thương mại như FTAs, TPP… sẽ mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Do đó, làn sóng mua bán, sáp nhập, thâu tóm hệ thống siêu thị trong nước tới đây sẽ còn diễn ra mạnh hơn. Đây là cơ hội, nhưng đồng thời cũng tạo sức ép lớn hơn nhiều lên các DN và nhà bán lẻ trong nước. Nếu không có chiến lược cạnh tranh phù hợp để trụ vững, nguy cơ hàng Việt sẽ “vắng bóng” là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông Khôi, cần có các giải pháp hỗ trợ một cách công bằng và tạo điều kiện cho DN bán lẻ trong nước phát triển theo đúng các cam kết, đồng thời đẩy mạnh giám sát việc tuân thủ pháp luật đối với DN bán lẻ nước ngoài; có sự ràng buộc về chính sách cho thuê đất gắn với các cam kết về thời hạn hoạt động, thúc đẩy phát triển nền sản xuất lành mạnh…