Ứng phó biến động tài chính - tiền tệ thế giới: Giám sát chặt chẽ, kịp thời hành động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong vòng 1 tuần qua, đã có 3 ngân hàng của Mỹ phải “đóng cửa” do mất thanh khoản. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng lơ là kiểm soát với hệ thống ngân hàng. Mặt khác, một lực đẩy khiến các ngân hàng này “rơi xuống vực” là chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Đây là những vấn đề được đặt lên bàn cơ quan giám sát hệ thống tài chính của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bảo đảm thanh khoản và an toàn của hệ thống tài chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Bảo đảm thanh khoản và an toàn của hệ thống tài chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Silicon Valley Bank, Silvergate Bank, Signature Bank là 3 ngân hàng của Mỹ vừa dừng hoạt động, buộc Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) phải tiếp quản cùng nỗ lực bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Sự việc này làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu. Nguyên nhân khiến các ngân hàng này phải đóng cửa là sự mất cân đối về nguồn vốn dẫn đến thiếu hụt thanh khoản. Điều này xuất phát từ tình trạng quản trị rủi ro yếu kém, thiếu khả năng dự báo được những biến động bất lợi trên thị trường tài chính. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng, việc FED tăng lãi suất lên mức cao là nguồn cơn khiến các ngân hàng sụt giảm tài sản, rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: “Việc đóng cửa các ngân hàng ở Mỹ cho thấy sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời từ các cơ quan chức năng các nước. Với Việt Nam, cần xử lý kịp thời những biến động có thể phát sinh từ việc thắt chặt tiền tệ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác giám sát khu vực tài chính, bảo đảm cơ quan chức năng nắm bắt diễn biến kịp thời, có dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy để hành động khi phù hợp”.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, không chỉ tại Mỹ, các ngân hàng và doanh nghiệp trên thế giới đều đang lo ngại về tình trạng yếu thanh khoản do chính sách thắt tiền tệ. Đây là vấn đề mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đều phải đối mặt và giải quyết. Cần tính toán cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc ứng phó lạm phát thời gian tới. Với Việt Nam, lãi suất đã ở mức rất cao, dư địa tăng lãi suất còn rất hạn chế, cần tính đến công cụ khác.

Tại Việt Nam lãi suất đã ở mức rất cao nên cần tính đến công cụ khác để ứng phó lạm phát thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

Tại Việt Nam lãi suất đã ở mức rất cao nên cần tính đến công cụ khác để ứng phó lạm phát thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

“Ở Mỹ, nếu công tác giám sát hiệu quả hơn, cảnh báo sớm hơn tình trạng lệch pha nguồn vốn thì sao? Đó là câu hỏi cho thấy tầm quan trọng của chất lượng và tính cẩn trọng trong giám sát để giảm thiểu rủi ro khu vực tài chính. Tại Việt Nam, tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm thanh khoản cho Ngân hàng SCB. Cần nhắc lại rằng, luôn đề cao việc giám sát rủi ro khu vực tài chính và hành động ngay lập tức khi phát hiện sự cố, nếu không, hệ lụy sẽ không chỉ dừng ở khu vực tài chính mà lan rộng đến cả nền kinh tế”, ông Andrea Coppola nhấn mạnh.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, các biến động của kinh tế thế giới và nội tại đang buộc Việt Nam phải lựa chọn để có những quyết định cân bằng. Đó là sự cân đong giữa các yếu tố lạm phát và tăng trưởng, tính toán mức độ nới lỏng hay thắt chặt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. “Dù lựa chọn nào, cũng cần bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Mặt khác, cần tăng tính minh bạch tổng thể của khu vực tài chính, bảo đảm việc công bố thông tin kịp thời và tin cậy để tăng niềm tin cho giới đầu tư và cộng đồng. Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực cải cách, bao gồm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tăng cường khung cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém”, bà Dorsati nói.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ và chính sách tiền tệ của FED cho thấy một số điểm cần lưu ý với Việt Nam. Trước hết là sự phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Dù không phải là vấn đề mới nhưng luôn phải chú trọng sự “ăn ý” dựa trên các dữ liệu tin cậy, đồng thời, luôn sát sao và thận trọng với các hoạt động của hệ thống tài chính, an toàn tài chính là vấn đề rất quan trọng bên cạnh việc ổn định vĩ mô.

Mặt khác, theo ông Thành, sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ nhiều khả năng dẫn đến việc FED sẽ không tăng lãi suất mạnh, thậm chí có thể không tăng nữa dù phải đối diện với lạm phát cao dai dẳng. Do đó, cần theo dõi và lường trước động thái của FED để phản ứng chính sách kịp thời, đúng mức.

Từ góc độ khác, PGS. TS. Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng: “Cả thế giới đang nín thở chờ quyết sách của FED vào ngày 22/3 tới. Với Việt Nam, Chính phủ vẫn đang can thiệp vào tỷ giá, nên nếu FED chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thì tôi tin là Việt Nam không phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nếu FED chọn tăng lãi suất trên mức này, Việt Nam chắc sẽ phải hành động để giữ giá trị đồng nội tệ. Theo đó, kỳ vọng lãi suất đồng nội tệ giảm trong bối cảnh quốc tế hiện nay là khó khả thi”.

Chuyên đề