Cầu sông Ông Đốc vừa hoàn thành giúp người dân thị trấn Sông Đốc lưu thông tới trung tâm tỉnh lỵ Cà Mau, tới vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM thuận tiện, nhanh chóng. Ảnh: Thanh Huyền |
Niềm vui Sông Đốc, Gành Hào
Từ tinh mơ, sau hơn 1 giờ lái xe theo Quốc lộ 1A vào trục Đông Tây, chúng tôi đón bình minh tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), nơi sông Ông Đốc bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu - Sông Trẹm chảy về hướng Tây rồi đổ ra cửa sông Ông Đốc. Với lợi thế nghề khai thác biển, thị trấn Sông Đốc cùng với thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) và TP. Cà Mau trở thành 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau. Trung tâm khai thác, đánh bắt hải sản này nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ấy vậy, dòng chảy lịch sử mấy trăm năm thị trấn cửa biển này chứng kiến sự phát triển không cân xứng bởi cuộc sống người dân bờ Bắc trù phú, sung túc, bờ Nam vất vả mưu sinh vì cảnh ngăn sông, cách đò.
Xuân nay đã khác. Cầu sông Ông Đốc vừa mới được hoàn thành giúp người dân thị trấn Sông Đốc lưu thông tới trung tâm tỉnh lỵ Cà Mau, tới vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM thuận tiện, nhanh chóng. Cầu mới không chỉ nối nhịp bờ vui mà còn cải thiện đáng kể sinh kế cho hàng nghìn người dân phía bờ Nam sông Ông Đốc. Nhấp ly cà phê đen sánh, ông Thạch Văn Sanh, 75 tuổi, mừng vui kể, cầu mới đã biến mảnh đất gia đình từ vùng sình lầy, ngập nước quanh năm thành căn nhà phố, sinh kế 9 người con trong gia đình thuận lợi khi chuyển đổi công việc từ nông nghiệp sang kinh doanh. Chung cảm xúc, anh Lê Thanh Tuyền, Công ty TNHH Bột cá Sing Việt cho hay, từ khi có cầu sông Ông Đốc, việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp thuận tiện hơn rất nhiều, nhanh chóng và tiết kiệm 20% chi phí vận tải so với trước đây.
Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc chia sẻ, với dân số khoảng 33 nghìn người, lĩnh vực kinh tế chủ đạo của thị trấn là khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Trước đây, hai bờ sông Ông Đốc cách phà, người dân đi lại, giao thương khó khăn. Từ khi có cầu sông Ông Đốc và trục Đông Tây, việc đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp rất thuận tiện. Trong tương lai gần, khi cầu Gành Hào xây dựng xong, vành đai cầu sông Ông Đốc - trục Đông Tây - cầu Gành Hào được khép kín sẽ tăng kết nối liên vùng cho thị trấn Sông Đốc phát triển đột phá.
Dời Sông Đốc cửa biển Tây, chúng tôi tiếp tục hành trình theo trục Đông Tây băng qua huyện Cái Nước tới Gành Hào, nơi phân chia địa giới hành chính 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Cũng giống như Ông Đốc, dường như có hai Gành Hào hoàn toàn đối nghịch. Nếu như phía thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) phồn thịnh với nhịp sống kinh tế năng động bao nhiêu thì phía xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) lại trầm mặc, yên ắng bấy nhiêu. Xã Tân Thuận có gần 4 nghìn hộ dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số Khơmer, Hoa, Ê- đê, Thượng. Suốt thời gian dài, vì giao thông cách trở, kinh tế Tân Thuận không có điều kiện phát triển dù nơi đây được quy hoạch cụm công nghiệp từ rất sớm. Cho tới nay, sinh kế người dân Tân Thuận chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và vẫn còn 210 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo.
Bộc bạch với chúng tôi, bác sỹ Nguyễn Chí Tâm, một người trẻ chọn gắn bó với vùng đất mũi cho biết, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều vất vả. Hàng ngày, nhiều người dân Tân Thuận phải qua phà sang bờ Bạc Liêu mưu sinh, đi học, khám chữa bệnh… Dù là thuộc tỉnh Cà Mau, song hầu hết hoạt động thường ngày của người dân xã Tân Thuận đều gắn chặt với Bạc Liêu thông qua phà Gành Hào. Những lúc gặp con nước lớn, việc lưu thông qua phà rất trở ngại. “Hiện nay, trục Đông Tây từ thị trấn Đầm Dơi đến xã Tân Thuận đã thông suốt, cầu Gành Hào kết nối Cà Mau - Bạc Liêu mới được khởi công. Bờ Nam cửa biển Gành Hào sắp có diện mạo mới và kinh tế biển Tân Thuận sẽ khởi sắc, phát triển xứng tầm. Tết này, người dân Đầm Dơi thêm niềm vui bởi cây cầu Gành Hào, niềm mong mỏi bấy lâu đang dần thành hình, thay đổi từng ngày”, anh Tâm nói.
Áo mới Cà Mau
Kiến tạo hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông là nỗi trăn trở, niềm mong mỏi suốt mấy chục năm qua của chính quyền, nhân dân tỉnh Cà Mau. Giao thông chưa thông suốt, kinh tế chưa thể bứt tốc đi lên, đời sống người dân còn chật vật. Biết vậy song do nguồn lực hạn hẹp, việc gói ghém vốn liếng cho hạ tầng còn manh mún.
Câu chuyện đầu tư trục Đông Tây với 2 cây cầu Ông Đốc và Gành Hào là minh chứng. Ban đầu tỉnh Cà Mau đề xuất phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn do ngân sách địa phương không thể cân đối bố trí trong 1 kỳ trung hạn. Tuy nhiên, khi làm việc với Cà Mau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Tỉnh nghiên cứu đầu tư “trọn gói”, đồng bộ cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây, cầu Gành Hào với tầm nhìn kiến tạo 1 hành lang đường bộ xuyên suốt Đông sang Tây bán đảo Cà Mau kết nối 2 cửa biển Gành Hào - Sông Đốc, tạo “bệ phóng” phát triển kinh tế cho 3 huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi.
Đón năm mới Giáp Thìn, người Cà Mau đón vận hội tươi sáng khi nhiều dự án giao thông lớn, tạo đột phá chiến lược sắp được đầu tư. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau thêm 1 đường băng mới dài 3.000 m và nhà ga hành khách hiện đại, nâng cảng hàng không này từ chuẩn 4C lên 4E để có thể đón các loại máy bay cỡ lớn như Boeing 787, Airbus A350. Ngoài sân bay, chủ trương đầu tư cảng Hòn Khoai, kéo dài cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến Mũi Cà Mau cũng được “chốt”.
Mới đây, chia sẻ với các cử tri, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau tin tưởng, 2024 sẽ là năm bứt phá của Cà Mau. Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai thực hiện, đặt nền móng rất quan trọng để Cà Mau phát triển nhanh và bền vững.
Qua nhiều ngả đường Đất Mũi chúng tôi ghi nhận hạ tầng đang thay “áo mới”, người Cà Mau rạng ngời hy vọng, những nhịp cầu nối bến bờ vui, những con đường đến ấm no, hạnh phúc đã mở. Cà Mau hẳn không còn là “nơi xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam” và sẽ cất cánh bay lên.