Truyền thông chính sách được đặt đúng vị trí, vai trò quan trọng trong tạo sự đồng thuận xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, với nhìn nhận đây là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngày 21/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Ghi nhận công tác truyền thông chính sách vừa được triển khai tích cực, song người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc này vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.

"Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước", Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, lãnh đạo Chính phủ quán triệt công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo công khai, minh bạch. Các bộ ngành, địa phương bố trí cán bộ phụ trách truyền thông chính sách và nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ này.

Công nghệ cần được ứng dụng trong quản trị thông tin để dự báo xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho chỉ đạo điều hành. Các đơn vị tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp hoàn cảnh Việt Nam. Văn phòng Chính phủ cung cấp thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cho bộ ngành và báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số; dùng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh. Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí về những vấn đề dư luận quan tâm.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết xã hội; phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ đảm bảo thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí là dòng chảy chính; nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ truyền thông các bộ ngành, trong đó có kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, ứng phó khủng hoảng truyền thông trên mạng. Khi xảy ra sự cố hoặc khủng hoảng truyền thông, Bộ kiến nghị Thủ tướng lập tổ công tác xử lý.

Bộ Tư pháp có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân; Bộ Ngoại giao triển khai truyền thông chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách của các bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chuyên đề