Truy tố Giám đốc làm giả kiểm định công tơ điện

(BĐT) - Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với bị can Nguyễn Khương Duy (sinh năm 1992, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh thương mại Hoàng Lan về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan điều tra đã thu giữ hàng trăm công tơ điện làm giả nhãn hiệu Gelex Emic của Tổng công ty CP Thiết bị điện. Ảnh: Lê Quang
Cơ quan điều tra đã thu giữ hàng trăm công tơ điện làm giả nhãn hiệu Gelex Emic của Tổng công ty CP Thiết bị điện. Ảnh: Lê Quang

Sản phẩm của Gex bị làm giả

Cuối năm 2015, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra chống buôn lậu - Bộ Công an, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại Công ty Hoàng Lan, phát hiện có nhiều công tơ điện in nhãn hiệu Gelex Emic và phiếu kiểm định của Tổng công ty CP Thiết bị điện (mã GEX), giấy chứng nhận kiểm định của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) có dấu hiệu bị làm giả.

Cơ quan điều tra thu giữ 776 chiếc công tơ điện; hàng nghìn đồ điện gia dụng in nhãn hiệu Vinakip, 53 thùng bóng đèn sợi đốt nhãn hiệu Sakura, 38 chiếc đèn bàn hiệu Rạng Đông.

Trước đó, hai cá nhân vận chuyển công tơ điện nhưng không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc nên bị công an phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội lập biên bản tạm giữ. Tại cơ quan điều tra, hai cá nhân này khai là người làm thuê cho Nguyễn Khương Duy.

Sau khi giám định, kết quả cho thấy, các phiếu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định có dấu được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số, chữ ký bằng phương pháp in phun màu.

Quá trình điều tra, Duy khai nhận, khoảng tháng 11/2015, Duy quen biết Nguyễn Thị Lợi (ở Vĩnh Phúc) có nguồn hàng rẻ là công tơ điện nhãn hiệu Gelex qua sử dụng đã được tân trang lại. Mỗi công tơ điện có giá từ 80.000 - 300.000 đồng/chiếc kèm Giấy chứng nhận kiểm định. Thực tế, việc kinh doanh mặt hàng công tơ điện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định, cấp giấy chứng nhận và phải được kẹp chì mới được lưu thông ra thị trường. Nhưng thấy công tơ điện được tân trang như mới, giá rẻ, Duy quyết định mua hàng của Lợi bán lại hưởng phần chênh lệch. 

Truy tố tội làm giả tài liệu, con dấu

Qua xác minh cho thấy, các sản phẩm công tơ điện cơ khí do Gelex sản xuất chủ yếu cung cấp cho ngành điện. Từ năm 2014, ngành điện có chủ trương thay thế công tơ điện cơ khí sang điện tử. Năm 2015, sản lượng công tơ do Gelex sản xuất giảm còn 25%, năm 2016 là 2,5% so với các năm trước. Gelex không lưu mẫu công tơ sản xuất trước năm 2016. Do đó, cơ quan điều tra tách tài liệu liên quan đến toàn bộ số tang vật thu giữ để điều tra xử lý sau.

Đối với các đồ điện gia dụng, cơ quan điều tra xác minh tại Công ty CP Khí cụ điện 1 (Vinakip) cho thấy, có 3 sản phẩm làm giả gồm bảng điện, phích cắm, ổ cắm (trị giá 26,6 triệu đồng). Do giá trị hàng hóa thấp, không đủ cơ sở để xử lý bị can hành vi buôn bán hàng giả. Số tang vật còn lại, cơ quan điều tra chuyển Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội xử lý theo quy định.

Đối với số bóng đèn in nhãn hiệu Sakura, đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Thiết bị nước Thiên Phú. Công ty Thiên Phú không bán sản phẩm bóng đèn cho Duy, cũng không có mẫu để Cơ quan điều tra giám định.

Vì hành vi này, Nguyễn Khương Duy bị truy tố tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, khung hình phạt 2 - 5 năm tù.

Chuyên đề