Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tiếp nhận một tình huống trong đấu thầu: HSMT quy định thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu là 210 ngày kể từ thời điểm đóng thầu (ngày 31/3/2017), tức là bảo lãnh dự thầu của các nhà thầu tham dự thầu phải có hiệu lực tối thiểu đến ngày 26/10/2017. Tuy nhiên, bảo lãnh dự thầu của nhà thầu A phát hành ngày 25/3/2017, thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu là 210 ngày kể từ ngày phát hành bảo lãnh, đồng nghĩa bảo lãnh dự thầu của nhà thầu A sẽ có hiệu lực đến ngày 20/10/2017.
Theo Cục Quản lý đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP Điều 18 Khoản 2 Điểm d quy định một trong những tiêu chí đánh giá tính hợp lệ của HSDT là có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của HSMT. Đối chiếu với quy định nêu trên thì bảo lãnh dự thầu của nhà thầu A không đáp ứng về thời hạn có hiệu lực đã đưa ra tại HSMT và nhà thầu này được đánh giá là có HSDT không hợp lệ. Trong trường hợp này, theo quy định thì HSDT của nhà thầu A không được xem xét, đánh giá ở các bước tiếp theo.
Việc bảo lãnh dự thầu không đáp ứng yêu cầu về thời hạn hiệu lực đã đưa ra tại HSMT như trên không phải là hiếm gặp. Ngoài ra, từ thực tiễn đấu thầu, phóng viên Báo Đấu thầu đã từng gặp rất nhiều trường hợp nhà thầu bị loại vì bảo lãnh dự thầu với rất nhiều hình thức không đáp ứng quy định khác nhau.
Có trường hợp bảo lãnh dự thầu đề sai tên gói thầu, từ gói thầu A thành gói thầu B. Sự nhầm lẫn hẳn từ gói thầu này sang gói thầu khác, không phải là lỗi chính tả, lỗi do đánh máy trong ghi tên gói thầu. Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc ghi chính xác tên gói thầu trong thư bảo lãnh là để đảm bảo trách nhiệm tham dự thầu của nhà thầu đối với một gói thầu cụ thể. Nếu tên gói thầu trong thư bảo lãnh bị ghi “nhầm” từ gói thầu này sang gói thầu khác thì cũng tương đương với việc không có bảo lãnh dự thầu, vì bảo lãnh dự thầu như vậy là không phải cho gói thầu mà nhà thầu đang tham dự, nên không có giá trị pháp lý.
Cũng có trường hợp bảo lãnh dự thầu không được ký bởi đại diện hợp pháp hoặc người được ủy quyền hợp pháp của tổ chức tín dụng như kết luận của Thanh tra Bộ Y tế chỉ ra tại HSDT của Agimexpharm khi dự thầu Gói thầu Mua thuốc generic cho các cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế ngoài công lập có hợp đồng bảo hiểm y tế trong tỉnh Bình Dương năm 2015 - 2016 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Trong khi theo quy định của pháp luật về đấu thầu, thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên.
Thậm chí, Báo Đấu thầu đã tiếp nhận thông tin về rất nhiều trường hợp nhà thầu không có bảo lãnh dự thầu dù HSMT đã quy định rõ ràng và dù đây là lý do chắc chắn sẽ bị loại.
Những sai sót trong bảo lãnh dự thầu cho thấy tính chuyên nghiệp của các nhà thầu khi tham gia đấu thầu chưa cao. Đây có thể coi là lý do trượt thầu không đáng có, vì quy định của pháp luật về đấu thầu đã hướng dẫn rất rõ ràng, nhà thầu chỉ cần cẩn thận hơn là sẽ không mắc lỗi này.
Tuy nhiên, cũng có thể lý giải cho những lỗi sơ đẳng về bảo lãnh dự thầu là sự cố ý để bị trượt thầu. Đây là trường hợp bên mời thầu, chủ đầu tư cần lưu ý, thống kê tần suất “quên”, nhầm lẫn trong bảo lãnh dự thầu của cùng một nhà thầu liên tục tại nhiều gói thầu, cùng với những dấu hiệu khác, để xem xét về hành vi thông thầu.