Trước giờ khai tử, nhiều dự án BT cấp tập mời thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Quốc hội thông qua, dự án theo hợp đồng BT sẽ dừng thực hiện theo lộ trình.
Việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng BT cần giải quyết các trường hợp chuyển tiếp một cách thấu đáo, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng BT cần giải quyết các trường hợp chuyển tiếp một cách thấu đáo, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ còn khoảng thời gian ngắn cho những dự án BT cuối cùng và một số dự án đang vào giai đoạn nước rút.

Nhiều dự án mời thầu

Theo Luật PPP, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/1/2021), dự án BT chưa phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện... Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2020 đến nay, không có nhiều dự án BT thông báo mời thầu. Tuy nhiên, từ sau ngày Luật PPP được Quốc hội thông qua, nhiều đơn vị đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, thông báo mời thầu.

Ngày 27/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đăng thông báo mời thầu Dự án Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và Khu tái định cư xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn theo phương thức PPP, loại hợp đồng BT. Tổng mức đầu tư Dự án là 359 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, thời gian phát hành HSMT từ 2/7 đến 31/8/2020.

Trước đó ít ngày, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trung tâm hành chính thị trấn Vĩnh Trụ (Hà Nam), đoạn từ Quốc lộ 38B đến đường nối Đường tỉnh 499 với Đường tỉnh 492 theo hợp đồng BT đăng thông báo mời thầu, phát hành HSMT từ ngày 29/6 đến 31/8/2020. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 111,51 tỷ đồng.

Cũng tại Hà Nam, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường DN2, PK2 và một phần tuyến PK-5, PK-1A, PK-1B thuộc Khu trung tâm hành chính huyện Thanh Liêm đang trong thời gian phát hành HSMT, thời điểm đóng thầu là 9 giờ ngày 7/7/2020. Một số dự án BT khác tại Hà Nam đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với dự kiến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong quý III năm nay.

Đẩy mạnh đấu thầu, đấu giá đất để bù lấp BT

Theo thông tin cán bộ một số sở kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) chia sẻ, từ sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực (ngày 1/1/2018), đặc biệt sau Công văn số 3515/BTC-QLCS của Bộ Tài chính phát đi ngày 28/3/2018, các địa phương gần như không triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án BT mới, do đó không vướng quy định chuyển tiếp khi Luật PPP có hiệu lực. Một số địa phương chủ yếu giải quyết vấn đề của các dự án BT đã ký hợp đồng, đặc biệt là ký hợp đồng trước 1/1/2018 nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc trong thực hiện giao đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Một cán bộ của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết, danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP của Tỉnh có một số dự án theo loại hợp đồng BT, tuy nhiên từ khi phê duyệt danh mục đến nay chưa triển khai. Các đơn vị chức năng của Tỉnh sẽ tổ chức rà soát lại các dự án để có hướng triển khai tiếp theo.

Theo một chuyên gia về PPP, thời gian qua, BT là loại hợp đồng chủ yếu trong phương thức PPP, qua đó thu hút nguồn lực rất lớn từ khu vực tư nhân đầu tư vào hạ tầng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất, gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong bối cảnh chưa xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Đất đai và một số luật liên quan một cách phù hợp thì có thể dẫn đến thất thoát lớn về nguồn lực đất đai tại các địa phương. Việc Luật PPP loại bỏ hợp đồng BT là phù hợp trong bối cảnh này.

Chuyên gia trên cho rằng, việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng BT cần phải lưu ý giải quyết các trường hợp chuyển tiếp một cách thấu đáo, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Các địa phương muốn khai thác nguồn lực từ đất đai cho đầu tư hạ tầng cần đẩy mạnh thực hiện đấu giá đất nếu đất sạch, lấy tiền đầu tư công trình công. Tuy nhiên, khi nguồn lực không đủ bố trí giải phóng mặt bằng thì đấu thầu dự án sử dụng đất là hình thức hiệu quả.

Theo Bộ KH&ĐT, đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất là 2 cơ chế, công cụ hữu hiệu để tăng thu tối đa cho ngân sách nhà nước từ nguồn lực đất đai, tăng hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, so với đấu giá đất, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là sự kết hợp cả đấu thầu (phải đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật của nhà đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư trong tương lai) và đấu giá, đồng thời có hợp đồng để dễ dàng kiểm soát, ràng buộc chặt chẽ nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đặc biệt, sau khi Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành, có hiệu lực, nhiều ý kiến đánh giá, các vướng mắc trong thực hiện đấu thầu dự án sử dụng đất đã được tháo gỡ, kỳ vọng sẽ giúp các dự án triển khai thuận lợi trong thời gian tới.

Đối với giai đoạn “nước rút” về BT, một nhà đầu tư đã từng “chạy” hợp đồng cho kịp trước khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, nay đang mắc kẹt vì chưa được thanh toán dù dự án BT đã hoàn thành, chia sẻ kinh nghiệm “đau thương”, đó là phải thận trọng trong đàm phán, ký kết hợp đồng, đừng “cố đấm ăn xôi”, nhắm mắt ký hợp đồng cho kịp tiến độ.

Chuyên đề