Trúng thầu thời bão giá, nhà thầu “đứt gánh giữa đường”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trúng thầu trong giai đoạn 2020 - 2022, giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, các nhà thầu nói riêng cũng như hoạt động xây dựng nói chung đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sức ép từ việc cân đối tài chính thời “bão giá” cùng với nghĩa vụ phải hoàn thành hợp đồng vượt quá tầm kiểm soát của nhà thầu, hệ quả là không ít công trình thi công dang dở, nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến uy tín.
Chi phí nhiên, vật liệu, nhân công tăng cao khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn, thậm chí không còn năng lực thực hiện hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang
Chi phí nhiên, vật liệu, nhân công tăng cao khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn, thậm chí không còn năng lực thực hiện hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu thừa nhận, trúng thầu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói tại các gói thầu xây lắp có thời gian thực hiện từ 1 đến 1,5 năm phát sinh rất nhiều rủi ro, khó khăn trong quá trình triển khai. Chẳng hạn, một hợp đồng được ký vào cuối năm 2021, sang nửa đầu năm 2022, giá thép, nhiên liệu ước tính tăng khoảng 30% so với thời điểm ký kết... Chi phí thuê nhân công thực tế tại nhiều địa phương cũng cao hơn rất nhiều so với mức quy định tối thiểu vùng. Trong khi đó, việc xây dựng giá kế hoạch, giá dự toán phụ thuộc vào công bố chỉ số giá của liên sở tài chính - xây dựng địa phương nơi thực hiện dự án, thường chưa thể bù đắp được các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đây là căn nguyên khiến nhiều nhà thầu không còn năng lực thực hiện hợp đồng.

Đơn cử, tháng 2/2020, Công ty CP Thương mại và Sản xuất Hà Linh (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) trúng Gói thầu số 05 Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Sân vận động Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hợp đồng có giá trị 36,297 tỷ đồng, được khởi công ngày 12/2/2020, dự kiến hoàn thành vào ngày 12/8/2021.

Sau 3 lần được Chủ đầu tư gia hạn hợp đồng do không thể hoàn thành cam kết ban đầu, tháng 8/2022, Công ty CP Thương mại và Sản xuất Hà Linh có công văn đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mới thực hiện được 33% khối lượng công việc. Nhà thầu lý giải nguyên nhân là công trình thi công trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (2020 - 2022) nên ảnh hưởng lớn đến công tác huy động nhân lực, vật tư, thiết bị thi công, cùng với giá vật liệu, xăng dầu tăng cao dẫn đến thi công chậm tiến độ. Bên cạnh đó, Nhà thầu cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan là năng lực của Nhà thầu không đáp ứng được khối lượng công việc của hợp đồng, nên thi công cầm chừng với tiến độ chậm, kéo dài, dần mất kiểm soát.

Tháng 10/2021, Công ty CP Tư vấn xây dựng Phương Nam (Lộc Hà, Hà Tĩnh) được phê duyệt trúng Gói thầu 01.XL Xây dựng tuyến đường và các công trình trên tuyến thuộc Dự án Đường giao thông nội vùng khu trung tâm hành chính huyện Lộc Hà (giai đoạn 2), giá trị trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi ký hợp đồng, Nhà thầu không thể huy động nhân lực, vật lực theo yêu cầu, dẫn đến không phát sinh khối lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ của Dự án. Cuối tháng 1/2023, Nhà thầu đã bị Chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng.

Tại khu vực phía Nam, Dự án Xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu không thể về đích cuối năm 2022 do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dự án được Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Thành Sen (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) khởi công cuối năm 2020, với giá trị hợp đồng gần 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, tổng khối lượng thực hiện của Nhà thầu chỉ đạt khoảng 40%, không thể đáp ứng thời gian hoàn thành như cam kết. Nguyên nhân là mặt bằng được bàn giao vào đúng thời điểm bùng phát dịch Covid-19, giá vật liệu tăng cao, Nhà thầu phải đối mặt với khó khăn về tài chính, không còn khả năng thực hiện hợp đồng. Cuối năm 2022, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Thành Sen bị chấm dứt hợp đồng, đồng thời bị xử phạt 50 triệu đồng.

Bên cạnh trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu thi công, một số địa phương cũng chỉ ra trách nhiệm của đơn vị tư vấn lập thiết kế và dự toán còn nhiều thiếu sót, hồ sơ khảo sát sơ sài, chưa phản ánh đúng thực tế, chưa dự báo được khả năng biến động thị trường; dự toán áp dụng định mức, đơn giá không phù hợp, dẫn đến các công trình phải xử lý hiện trường nhiều lần. Cùng với đó, nhiều đơn vị tư vấn giám sát chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, chưa sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu; công tác quản lý, giám sát tiến độ thi công còn hạn chế, quản lý chất lượng thi công còn nhiều lỗ hổng, phát sinh nhiều hệ lụy khó có khả năng khắc phục về sau.

Chuyên đề