Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương mới đây.
Theo Phó Thủ tướng, việc chuyển đổi tiêm chủng mở rộng, cấp phát vitamin A, thuốc ARV, điều trị Lao từ Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số sang nhiệm vụ thường xuyên là một tiến bộ trong công tác y tế, tiêm chủng thời gian qua. Với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vắc xin, vitamin A..., trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỷ trọng lớn, vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm.
Trước đó, nhiều địa phương đã phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức đấu thầu, mua sắm để bảo đảm vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng sau khi chuyển từ cơ chế đặt hàng tập trung của Bộ Y tế để phân bổ cho các địa phương sang hình thức phân cấp cho các địa phương tự tổ chức đấu thầu mua vắc xin như: chưa có nhà cung cấp, không có giá kê khai, chưa có số đăng ký hoặc khó khăn trong việc kiểm định các lô vắc xin trước khi tiêm chủng khi thực hiện riêng lẻ theo từng địa phương… Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin phục vụ cho công tác tiêm chủng mở rộng, nhiều đơn vị tiêm chủng phải trì hoãn lịch tiêm, treo bảng thông báo “hết” như: vắc xin bạch hầu - uốn ván, vắc xin “3 trong 1” bạch hầu - ho gà - uốn ván, vắc xin “5 trong 1” bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - sởi…
Theo Bảng cập nhật danh mục vắc xin của Trung tâm Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc, Hà Nội của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ngày 19/5/2023, vắc xin “3 trong 1” bạch hầu - ho gà - uốn ván đang hết... |
Để triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 12/2/2023. Sau khi đấu thầu tập trung thành công, xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vắc xin. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vắc xin này.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xử lý vấn đề về giá, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm mua sắm, cung ứng kịp thời các vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 25/5/2023.
Theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế, từ năm 2025 sẽ bổ sung vắc xin phòng bệnh do phế cầu, từ năm 2026 bổ sung vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung và từ năm 2030 bổ sung vắc xin phòng bệnh cúm mùa.