Ảnh Internet |
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm Bính Tuất (1226), mất năm Canh Tý (1300), là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, thuộc dòng trưởng của họ Trần ở Tức Mặc (Nam Định), nhưng lại không phải là dòng chính làm vua. Ông mang trong mình dòng máu thượng võ của tổ tiên, thông minh xuất chúng, được đào tạo, rèn cặp kỹ càng, đọc rộng biết nhiều, giỏi cả văn lẫn võ, được tôn vinh là một bậc kỳ tài.
Với tài năng lỗi lạc và những công lao cống hiến to lớn, Trần Quốc Tuấn đã được anh họ là Thượng hoàng Trần Thánh Tông và cháu họ là vua Trần Nhân Tông tin tưởng phong làm Quốc công tiết chế, giao nắm giữ quyền lực cực lớn, điều khiển toàn bộ lực lượng quân sự, đứng đầu bộ máy kháng chiến của triều Trần trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên (1285, 1287 - 1288).
Vào thời điểm ngay trước khi cuộc kháng chiến bắt đầu, khi Nhà vua Trần Nhân Tông hỏi về thế giặc Nguyên, Trần Quốc Tuấn đã phân tích một cách sâu sắc, đầy trí tuệ và niềm tin tất thắng: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng trốn chạy. Nhờ uy linh của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên đã quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm nớp cái thất bại của Hằng, Quán không còn ý chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quân dân nhà Trần đã bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc chiến đấu. Bằng một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp do quân đội chủ lực của triều đình làm nòng cốt, với những cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng khi thế giặc mạnh, tạo thế trận vườn không nhà trống, đồng thời tiến hành các trận đánh nhỏ lẻ để tiêu hao sinh lực địch, Trần Quốc Tuấn đã chủ động từng bước thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường theo hướng ngày càng có lợi cho quân dân Đại Việt.
Khi quân Nguyên bị dồn ép vào tình thế cùng quẫn, buộc phải rút về nước, Trần Quốc Tuấn đã chớp thời cơ tổ chức lực lượng dốc sức đánh trận Bạch Đằng lịch sử đầu năm Mậu Tý (1288), làm kinh hồn bạt vía quân thù. Vó ngựa của đội quân thiện chiến bậc nhất trong lịch sử nhân loại đã bị chặn đứng bởi quân dân Đại Việt, mở ra thời kỳ hòa bình, thịnh trị lâu dài. Đây là một trong những chiến công hiển hách nhất, là đỉnh cao trong lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật đánh giặc trên chiến trường sông nước.
Sách Binh gia diệu lý yếu lược dạy về thuật tổ chức, lãnh đạo quân đội, tuyển tướng, nghệ thuật tác chiến, dùng binh, dùng gián điệp, thủy chiến, hỏa công... không chỉ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc mà còn là sự vận dụng đầy sáng tạo binh pháp của những nhà quân sự kiệt xuất của Trung Hoa cổ đại.
Vạn Kiếp tông bí truyền thư thiên về phần thực hành tác chiến, do Trần Quốc Tuấn nghiên cứu sáng tạo làm thành “bát quái cửu cung đồ” để đào tạo thực chiến cho các võ quan, tướng lĩnh thời Trần.
Đây chính là hai bộ sách quân sự đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đã tổng kết được các kinh nghiệm quân sự của nhân loại và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Đại Việt thời bấy giờ. Khi Trần Quốc Tuấn biên soạn thành công Binh gia diệu lý yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, cũng đồng thời khai sinh nền khoa học quân sự Việt Nam. Những cống hiến về lý luận và thực tiễn hoạt động quân sự đã nâng Trần Quốc Tuấn lên thành một trong những anh hùng kiệt xuất nhất của dân tộc qua mọi thời đại. Đáng tiếc là nguyên bản hai tác phẩm này đều đã thất truyền, bản Binh thư yếu lược được lưu lại cho đến nay đã qua sửa chữa, bổ sung, cải biến. Tuy trải qua bao biến thiên lịch sử, những lý luận, kinh nghiệm quý báu về quân sự trong Binh thư yếu lược vẫn còn nhiều giá trị tham khảo đối với nền khoa học quân sự Việt Nam.
Là một danh tướng, Trần Quốc Tuấn cũng là một nhà văn hóa lớn. Ông giỏi tâm lý, biết cách thu phục lòng quân để giữ yên lòng dân, ra sức đoàn kết tướng sĩ, đoàn kết quân dân, đoàn kết Vương triều tạo nên sức mạnh vô địch cho cả quốc gia - dân tộc. Ông có một tấm lòng son sắt vì vua vì nước, sẵn sàng chủ động dẹp bỏ những hiềm khích cá nhân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại nhiều câu chuyện cảm động về nhân cách lớn của Trần Quốc Tuấn.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là anh em con chú con bác, cũng là những người đứng đầu trong hoàng tộc Trần và triều đình Đại Việt lúc đó. Tuy nhiên, trong dòng họ và triều đình có chút khúc mắc nên hai ông vẫn có phần không ưa nhau. Trước nguy cơ ngoại xâm, hai vị đầu lĩnh đã chủ động gác bỏ hiềm khích riêng, chung tay giúp vua chống giặc.
Một hôm, Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp (Hải Dương) về Thăng Long (Hà Nội), Trần Quang Khải đích thân xuống thuyền của Trần Quốc Tuấn chơi suốt cả ngày. Trần Quốc Tuấn biết tính Trần Quang Khải ngại việc tắm gội, liền đun sẵn nước thơm, bảo đùa Trần Quang Khải rằng: “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo người em họ là Thượng tướng Thái sư ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Trần Quang Khải cũng vui vẻ nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”. Từ đó, tình nghĩa và mối quan hệ qua lại giữa hai vị đứng đầu dòng tộc Trần và triều đình Đại Việt càng thêm mặn mà, nồng ấm.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là bậc danh nhân trọn vẹn cả Đức và Tài. Ông chính là biểu tượng hội tụ sức mạnh hào khí Đông A của nước Đại Việt thời Trần. Trước khi qua đời, Trần Quốc Tuấn còn trao truyền lại bài học lịch sử “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức. Vả lại, khoan thư sức dân là kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đó thực sự là chiếc “chìa khóa vàng” để các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai cùng nhau chung sức, chung lòng dựng nước và giữ nước.