TP.HCM tăng đầu tư nối giao thông với phía Đông

(BĐT) - Theo đề xuất nghiên cứu mới đây của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, tuyến tàu điện ngầm metro số 1 của TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) nên có 2 nhánh kéo dài đến Biên Hoà (Đồng Nai) và thành phố mới Bình Dương nhằm tăng tính kết nối vùng ở cửa ngõ phía Đông.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đầu tư hạ tầng giao thông lớn

Cửa ngõ phía Đông của TP.HCM hiện có tốc độ phát triển đô thị cực lớn và có mật độ xe lưu thông rất cao. Về phía Đồng Nai, theo văn bản đề xuất mới nhất của Tỉnh đã trình Bộ Giao thông vận tải, nếu bổ sung kéo dài tuyến metro số 1 đến ngã 4 Vũng Tàu (dài 4,7km) sẽ giảm được lượng xe cá nhân đi vào TP.HCM và giảm được ùn tắc ở cửa ngõ quan trọng này.

Trên thực tế, không chỉ kết nối bằng metro, theo các nhà quy hoạch, việc phát triển hạ tầng giao thông ở hướng Đông TP.HCM cần ưu tiên tăng tính kết nối vùng, nhất là 3 tỉnh lân cận của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những minh chứng cho chiến lược kết nối này.

Hiện một số công trình giao thông trọng điểm kết nối hướng Đông với trung tâm TP.HCM đã hoàn thành hoặc đang đẩy mạnh đầu tư thêm. Đơn cử như: Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ kết nối trung tâm Thành phố hiện hữu với trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm và Xa lộ Hà Nội; Đường vành đai phía Đông kết nối đường Nguyễn Văn Linh qua quận 2, 9 với cầu Phú Mỹ và kết nối với Khu công nghệ cao, tiến tới khép kín đường Vành đai 2.  Dự án đường Vành đai 3 ở hướng Đông cũng đang khẩn trương triển khai để kết nối từ phía Tây, Tây Nam với đô thị Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, các trục đường lớn đang được hoàn chỉnh mở rộng như Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng…    

Cần kết nối đồng bộ

Tuy nhiên, theo KTS. Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM và KTS. Hoàng Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TP.HCM, đánh giá một cách khách quan, ngoại trừ một số tuyến đường chính, nút giao thông lớn và vài dự án nhỏ, cục bộ thì về cơ bản hạ tầng giao thông của khu vực phía Đông vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa tạo kết nối tốt với các đô thị xung quanh của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Ttrước xu thế hội nhập sâu, bên cạnh việc tiếp tục định hướng quy hoạch chung TP.HCM phát triển khu vực phía Đông thì theo KTS. Lê Văn Năm, cần điều chỉnh lại quy hoạch khu Đông TP.HCM theo hướng quy hoạch phân khu (phân vùng quản lý phát triển, không giới hạn địa giới hành chính).

Cũng theo đề xuất của KTS. Lê Văn Năm và KTS. Hoàng Xuân Thụ, cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối hạ tầng với toàn vùng phía Đông, nhất là giao thông đường bộ như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 với TP. Nhơn Trạch (Đồng Nai) và nối với tuyến đường Tân Vạn - Mỹ Phước (Bình Dương), khép kín Vành đai 2 nối từ quận 9 (TP.HCM) tới Bình Dương. Đối với giao thông đường sắt, cần sớm triển khai tuyến đường sắt Thủ Thiêm kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt hàng hoá kết nối với cảng Thị Vải, Cái Mép.

Hơn nữa, ở hướng Đông cũng cần khai thác hiệu vốn đầu tư hạ tầng lớn, phát triển đô thị nén theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng) dựa trên hệ thống giao thông vành đai và xuyên tâm nhằm tăng cường hiệu quả của hạ tầng giao thông, nhất là giao thông công cộng như metro, xe buýt nhanh (BRT), tàu điện (LRT), xe buýt, tramway (kết hợp giữa tàu điện ngầm và xe buýt)…         

Chuyên đề