TP.HCM sẽ sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế TP.HCM chưa vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh cũng như biến động khó lường của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, “đầu tàu” kinh tế có độ “mở” và “nhạy” với vai trò dẫn dắt cho khu vực phía Nam lẫn cả nước đang nỗ lực tận dụng mọi cơ chế đặc thù mới được Quốc hội thông qua cũng như động lực đầu tư công để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc và trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc và trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Động lực tăng trưởng đầu tư công

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2023 tăng 0,7% so với cùng kỳ 2022. Cũng trong quý I/2023, loạt số liệu cho thấy kinh tế TP.HCM đang ở trong giai đoạn khó khăn bậc nhất. Cụ thể, 4 trong số 9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm. Đơn cử vận tải, kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,7%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%. 5 ngành còn lại có mức tăng trưởng khá, gồm bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 6,68%.

Bức tranh kinh tế Thành phố đầu năm 2023 được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận là “cùng lúc phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức ở nhiều lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu suy giảm, thương mại tăng trưởng chậm, giải ngân đầu tư công đạt thấp, thu ngân sách gặp nhiều bất lợi”.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho biết, toàn bộ các ngành sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của TP.HCM như dệt may, da giày, chế biến chế tạo, cơ khí đều giảm tốc. Doanh nghiệp đứt đơn hàng, bài toán tìm kiếm thị trường mới hoặc yêu cầu doanh nghiệp đổi mới cứ loay hoay chưa có lời giải.

Bước sang quý II/2023, dữ liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,87% cao hơn 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,77% so với cùng kỳ 2022, cao hơn 0,44 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022. Riêng khu vực dịch vụ tăng 7,16% so với cùng kỳ 2022.

Tính chung, GRDP TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 0,8%; khu vực dịch vụ tăng 4,96%.

Tuy nhiên, sự khởi sắc của kinh tế TP.HCM, theo các chuyên gia, có đóng góp rất lớn từ giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế, ngay từ cuối năm 2022, lãnh đạo TP.HCM đã đặt trọng tâm của năm 2023 là giải ngân đầu tư công. Theo đó, UBND Thành phố quyết liệt điều hành đầu tư công theo kế hoạch, phấn đấu đến hết quý II giải ngân đạt 35%, hết quý III đạt 58%, hết quý IV đạt 91%, đến tháng 1/2024 đạt ít nhất 95%.

Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Trần Phước Tường nhận định, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố đã khởi sắc và trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế. TP.HCM đã dồn nguồn lực và khởi động loạt dự án trọng điểm vào đầu và giữa năm 2023. Cụ thể, Dự án Vành đai 3 (quy mô hơn 41.000 tỷ đồng) được TP.HCM tiến hành chi trả bồi thường với tốc độ thần tốc, về đích đầu tiên trong 4 tỉnh thành. Bên cạnh đó là việc khởi công loạt dự án trọng điểm gồm: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 (1.500 tỷ đồng), Dự án Nút giao An Phú (4.000 tỷ đồng), Dự án Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (4.800 tỷ đồng); Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (8.200 tỷ đồng)…

Hút nhà đầu tư tiềm lực, hỗ trợ doanh nghiệp bám thị trường

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, xét về tổng thể, nền kinh tế TP.HCM cần nhiều yếu tố để giữ được đà hồi phục, đặc biệt, cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua. “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, sức cạnh tranh, cơ chế linh hoạt, hạ tầng của TP.HCM đang dần nhường chỗ cho các địa phương khác ngay trong khu vực cũng như trên cả nước. Ngân sách Thành phố không đủ nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng - vốn dĩ đang trở nên quá tải, chật chội, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất để TP.HCM lấy lại phong độ, chính là thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tiềm lực, tận dụng nguồn lực ngoài ngân sách”, TS. Trần Du Lịch khuyến nghị.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 tạo cơ hội cho TP.HCM cải cách triệt để môi trường đầu tư kinh doanh để huy động các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh.

Theo TS. Trần Du Lịch, trên cơ sở của Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV, chính sách huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội đang được TP.HCM hoàn thiện nhằm hiện thực hóa các mô hình TOD, BT, BOT, trái phiếu quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế, chính quyền địa phương… TP.HCM đã mở hàng bằng loạt dự án điểm như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (hơn 5 tỷ USD), 5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu (quy mô 37.000 tỷ đồng)… đều là những dự án có tính chiến lược, có sức hút với nhà đầu tư chuyên nghiệp và dài hạn.

“Nghị quyết số 98/2023/QH15 tạo cơ hội cho TP.HCM cải cách triệt để môi trường đầu tư kinh doanh để huy động các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh; đóng góp vào chính sách và cơ chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đóng góp vào cơ chế phân cấp, phân quyền”, TS. Trần Du Lịch nói.

Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, ông Trần Hoàng Ngân nhận định, khả năng bám trụ với thị trường của doanh nghiệp là thước đo bền vững của nền kinh tế. Do đó, trước làn sóng rời thị trường của loạt doanh nghiệp suốt thời gian qua, hơn bao giờ hết TP.HCM cần có các trợ lực kịp thời.

Theo Nghị quyết 98, Thành phố đã đề xuất, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo. Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM cũng được hỗ trợ, gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số và an ninh mạng. “Đây được xem là điểm tựa cho doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn khó khăn, tìm hướng đổi mới, thích nghi trong môi trường mới để có thể giữ sức cạnh tranh”, ông Ngân chia sẻ.

Chuyên đề