TP.HCM quyết tâm giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế TP.HCM đang ở giai đoạn có thể nói là khó khăn nhất từ trước đến nay do tác động kép của đại dịch Covid-19 kéo dài và những diễn biến xấu từ kinh tế khu vực cũng như thế giới. Lãnh đạo TP.HCM đã thẳng thắn nhìn rõ nguyên nhân và thể hiện quyết tâm phục hồi, đồng thời giữ vững vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Cuộc trao đổi của phóng viên Báo Đấu thầu với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã cho thấy tinh thần này.
TP.HCM đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm 2023 đạt từ 7,5%. Ảnh: Đông Giang
TP.HCM đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm 2023 đạt từ 7,5%. Ảnh: Đông Giang

Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế TP.HCM đang đối diện?

Dịch bệnh kéo dài suốt năm 2020 - 2021 đã tác động tiêu cực rõ nét đến kinh tế TP.HCM ở mọi lĩnh vực. Ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, với nhiều quyết sách, từ đầu năm 2022, kinh tế đã dần tăng trưởng trở lại. Theo đó, quý I/2022 đạt 1,87%, quý II/2022 đạt 5,83%, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,82%, con số ấn tượng so với thời kỳ đóng băng, đình trệ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sang nửa cuối năm 2022, diễn biến tiêu cực của nền kinh tế thế giới, cộng với nhiều hạn chế nội tại của TP.HCM đã khiến sức phục hồi có dấu hiệu chững lại.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Quý I/2023, bức tranh kinh tế của TP.HCM không lạc quan. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố ước tăng 0,7% so với cùng kỳ 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7% (quý I/2022 giảm 4,8%); doanh thu du lịch tăng 77,2%. TP.HCM thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm. Các chỉ số cạnh tranh, quản trị của Thành phố về PCI, PAPI, PAR-Index… đều ở mức trung bình thấp. Các lĩnh vực trọng yếu như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch… của TP.HCM đều giảm sút.

Đâu là nguyên nhân khiến nền kinh tế năng động, dẫn đầu là TP.HCM gặp khó khăn khi phục hồi tăng trưởng, thưa ông?

Thẳng thắn chia sẻ là có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn nội tại. Hàng loạt nguyên nhân nội tại, chủ quan đã được tập thể lãnh đạo UBND TP.HCM nhận diện, mổ xẻ. Đầu tiên, nền kinh tế TP.HCM thực sự có độ mở, độ nhạy cao nên chịu ảnh hưởng trực diện bởi những biến động kinh tế thế giới từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, các động lực tăng trưởng của TP.HCM đã suy giảm; đóng góp về GDP hay ngân sách của một số lĩnh vực như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp… đều giảm sút. So với một số địa phương trong cùng khu vực, trên cả nước, sức cạnh tranh, hấp dẫn của TP.HCM đã khác, không còn nhiều yếu tố lợi thế. Đặc biệt, hạn chế về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực đã khiến chiếc áo chính sách trở nên quá chật với TP.HCM, cần có hướng đi mới, sát thực hơn, hiệu quả hơn.

Chỉ tính riêng lĩnh vực FDI, trong năm 2022, TP.HCM thu hút được 4,33 tỷ USD FDI, trong đó, có khoảng 65% đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố cũng thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư trong và nước ngoài để lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc cho nhiều dự án FDI. Tuy nhiên, những mặt hạn chế trong lĩnh vực thu hút FDI đang hiện hữu, như: hệ thống hạ tầng gồm giao thông, dịch vụ của TP.HCM chưa đồng bộ, đặc biệt là kết nối với khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế cho FDI không còn hấp dẫn, cần có cách tiếp cận mới trong bối cảnh nhiều quốc gia sắp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Thành phố đang thiếu trầm trọng quỹ đất công nghiệp đủ lớn cho các dự án lớn, theo cụm ngành cho những ngành nghề mới, nhà đầu tư mới.

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa thống nhất phân công nhân sự và lập các tổ công tác để đôn đốc tiến độ triển khai và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm của Thành phố. Có phải TP.HCM đang coi đầu tư công là đầu tàu tăng trưởng của giai đoạn này?

Thành ủy TP.HCM vừa ban hành thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM. 38 dự án đầu tư công trọng điểm của TP.HCM được giao cho từng cá nhân thành viên Thành ủy. Thông báo đã chỉ rõ, thời gian qua, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố thấp (đạt 4%), chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành còn nhiều tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chủ quan. Theo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, đôn đốc thực hiện; chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, phát sinh của các dự án. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, vướng mắc trong các khâu triển khai, thủ tục phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả…

TP.HCM xác định, đầu tư công là lực đẩy quan trọng để kích các trục tăng trưởng khác. Năm nay, TP.HCM được phân bổ vốn ngân sách 74.000 tỷ đồng, con số rất lớn so với các thời kỳ khác. Để sử dụng, phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư công ý nghĩa này, tập thể lãnh đạo UBND TP.HCM, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy sẽ đồng lòng, đồng thuận, sát cánh để các dự án sớm được hoàn thành.

Hàng loạt dự án trọng điểm của TP.HCM đã và đang triển khai dở dang như Metro số 1, Metro số 2, Dự án Ngăn triều (10.000 tỷ đồng), Dự án Vệ sinh môi trường (giai đoạn 2), Dự án Cải tạo rạch Bến Cát - Tham Lương - Rạch Nước Lên, Dự án Rạch Xuyên Tâm, Dự án Nút giao thông An Phú… sẽ được các tổ trưởng tổ giám sát làm việc liên tục, vướng đến đâu, gỡ đến đó, dứt điểm, nhanh chóng.

Khi đầu tư công được thúc đẩy, bộ mặt đô thị, hạ tầng kết nối của TP.HCM sẽ được cải thiện, tăng sức thu hút đối với nhà đầu tư, khơi thông những điểm nghẽn cố hữu làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, để giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước, cần triển khai một khối lượng công việc khổng lồ, thưa ông?

TP.HCM đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm 2023 đạt từ 7,5%. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tăng cường sự lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và theo tình hình, yêu cầu thực tế hiện nay, tạo sự đoàn kết, thống nhất hành động quyết liệt hơn nữa trong hệ thống chính trị.

Về nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung lãnh đạo tổ chức sơ kết nửa nhiệm kỳ, triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương; Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị định mới hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, để triển khai ngay sau khi nghị quyết mới có hiệu lực thi hành. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Thành phố sẽ tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị gắn với kế hoạch thúc đẩy đầu tư công. Đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc về thủ tục; kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hỗ trợ xúc tiến thương mại, xuất khẩu, cung ứng lao động, đào tạo nghề.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá TP.HCM nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định. Kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng (Dự án Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Dự án Đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đường Vành đai 3, Đường Vành đai 4 cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành…).

TP.HCM cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thường xuyên lắng nghe và sẵn sàng phối hợp với nhà đầu tư giải quyết những phát sinh, khó khăn khi đầu tư tại Thành phố.

Chuyên đề