TP.HCM: Xin chọn nhà đầu tư theo trường hợp đặc biệt

(BĐT) - Trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ gần đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu đối với Dự án Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum theo hình thức PPP có công suất 65.000 m3/ngày đêm. Ảnh: Mai Anh
Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum theo hình thức PPP có công suất 65.000 m3/ngày đêm. Ảnh: Mai Anh

Đảm bảo quyền lợi của nhà thầu EPC trước đó

Để huy động nguồn vốn giải quyết tình trạng ô nhiễm tại lưu vực suối Nhum, suối Xuân Trường, suối Gò Cát và một nhánh nước thải của huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, UBND TP.HCM mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum theo hình thức PPP (loại hợp đồng BOT kết hợp BT). Dự án có công suất 65.000 m3/ngày đêm, tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM. Dự án PPP này có khái toán tổng mức đầu tư gần 523 tỷ đồng.

Theo UBND TP.HCM, trước đây, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phú Xuân - Công ty CP Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam (Liên danh Phú Xuân - SFC Việt Nam) là nhà thầu đã trúng thầu Gói thầu EPC của Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum, đã ký Hợp đồng số 11/2013/HHD-BXDCT ngày 10/4/2013 thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 670 tỷ đồng, quy mô nhóm B, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II, thời gian thực hiện từ năm 2008 đến năm 2014.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí ngân sách thành phố thực hiện nên đến nay, Dự án chưa được triển khai và chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng ngân sách thành phố sang đầu tư theo hình thức PPP. Việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là phù hợp để tránh lãng phí thời gian, kinh phí, hiệu quả đầu tư, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư đã trúng thầu Gói thầu EPC dự án, tránh xảy ra khiếu kiện.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng cho rằng, hình thức lựa chọn nhà đầu tư nói trên còn phù hợp với ý kiến chấp thuận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về đàm phán thống nhất với nhà thầu trúng thầu phương án xử lý đảm bảo hiệu quả đầu tư và quyền lợi hợp pháp của Nhà thầu. Trường hợp chuyển sang hình thức đầu tư PPP cần ưu tiên cho Nhà thầu trúng thầu EPC tham gia. Như vậy, theo UBND TP.HCM, việc lựa chọn Liên danh Phú Xuân - SFC Việt Nam là nhà đầu tư thực hiện Dự án sẽ đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của Nhà thầu EPC. 

Cần thiết đầu tư theo hình thức PPP

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cho phép thực hiện Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum theo hình thức hợp đồng tương tự (BOT kết hợp BT) theo đề xuất của Liên danh Phú Xuân - SFC  Việt Nam.

Theo UBND TP.HCM, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Công văn 9836/VPCP-KTN ngày 20/11/2013, UBND TP.HCM đã xem xét, chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phú Xuân tiến hành lập Đề xuất Dự án Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum theo hình thức PPP. Hiện nay, Công ty đã hoàn tất Đề xuất Dự án. “Việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đáp ứng được tính cấp bách phải làm sạch nguồn nước thải ô nhiễm nghiêm trọng của suối Nhum, suối Xuân Trường, suối Gò Cát và một nhánh nước thải của huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương đổ vào Khu công nghệ cao TP.HCM, trong tình hình ngân sách Thành phố còn hạn chế là rất cần thiết”, UBND TP.HCM nhận định.

UBND TP.HCM cũng cho biết, về loại hợp đồng dự án, hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Cụ thể, Khoản 3 Điều 32 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định: “Căn cứ các loại  hợp đồng dự án được quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 3 Nghị định này, Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đề xuất các loại hợp đồng tương tự khác trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Đối với trường hợp tương tự về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT mà Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 đã áp dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn hướng dẫn UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận trước khi triển khai thực hiện.

Từ thực tế như trên, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải rạch suối Nhum theo hình thức hợp đồng tương tự (BOT kết hợp BT) theo đề xuất của Liên danh Phú Xuân - SFC Việt Nam. Sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm phê duyệt đề xuất dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn UBND TP.HCM về mức lãi suất vốn vay áp dụng cho Dự án, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế thực hiện. Đặc biệt, cho phép UBND TP.HCM được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Chuyên đề