Tổng thầu Trung Quốc nói gì về sai phạm đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Ban Quản lý Dự án đường sắt vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kết quả giải trình của Tổng thầu Trung Quốc, Tư vấn giám sát Trung Quốc và các nhà thầu phụ về những sai phạm trong thi công đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đặc biệt về vấn đề sử dụng nhân công và an toàn lao động.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại trong năm 2016 (ảnh: Hữu Nghị)
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại trong năm 2016 (ảnh: Hữu Nghị)

Trước đó, nhận được phản ánh về tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn, sử dụng lao động, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Ban QLDAĐS) đã có văn bản “hỏa tốc” yêu cầu Công ty HH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) và Công ty cổ phần nhà X4 (nhà thầu phụ) có báo cáo giải trình.

Cụ thể, Công ty Cổ phần nhà X4 giải trình việc tổ chức các tổ thi công tại công trường đơn vị đã căn cứ theo biện pháp tổ chức thi công chi tiết được Tổng thầu, Tư vấn giám sát và Chủ đầu tư phê duyệt, tổ chức các tổ thi công theo hướng chuyên môn. Công ty giao khoán việc cho các tổ, Tổ trưởng là người đại diện cho tập thể tổ lao động được tập thể người lao động ủy quyền đại diện cho tổ nhận khoán và thực hiện mọi quyền lợi, nghĩa vụ đối với Công ty.

Trong quá trình giao nhận khoán với Công ty, Tổ trưởng có trách nhiệm cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan của người lao động bao gồm chứng minh nhân dân, chứng chỉ nghề, chứng chỉ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (Còn thời hạn). Đối với hầu hết các công việc đòi hỏi phải có chuyên môn kỹ thuật thì nhà thầu bắt buộc người lao động tham gia thi công phải có chứng chỉ nghề và có kinh nghiệm thi công mới được phép thi công tại công trường.

Trong thời gian tháng 1/2016 vào thời điểm công ty triển khai thi công cả kết cấu phần trên và hoàn thành các công việc còn lại của kết cấu phần dưới đồng thời cũng là thời điểm chuẩn bị tết âm lịch Bính thân 2016, vì vậy có rất nhiều công việc phụ, phát sinh sử dụng công nhật của lao động phổ thông như dọn dẹp công trường, bốc xếp giáo, vật tư, phế thải thừa để chuyển ra khỏi công trường, vận chuyển nội bộ xếp gọn lại các khu vực và vệ sinh mặt bằng công trường, đối với những công việc này phát sinh trong ngày không đòi hỏi người lao động phải có tay nghề và chứng chỉ nghề theo luật lao động.

Đáng chú ý, 2 tổ thợ thi công cốt thép và cốp pha 6 trụ đứng và bể nước CT5 khu vực 3 do Nguyễn Văn Hải và Trần Quốc Triệu làm tổ trưởng. Vì vi phạm quy định về an toàn lao động và không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí sử dụng lao động phổ thông cho các việc đòi hỏi tay nghề nên công ty đã cho nghỉ từ trước Tết âm lịch (trước 6/2/2016), tức là trước khi có phản ánh và việc này Nhà thầu đã báo cáo Ban quản lý dự án.

Tổng thầu EPC và Công ty cổ phần nhà X4 khẳng định và cam kết đối với công tác an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ, sẽ tăng cường thực nghiêm túc hơn nữa, đặc biệt là công tác quản lý nhân sự và an toàn vệ sinh lao động.

Ban QLDAĐS cho biết, sau các sự việc đáng tiếc xảy ra về công tác an toàn của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào năm 2014, Ban QLDAĐS đã chỉ đạo quyết liệt công tác an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ đến Tư vấn giám sát, Tổng thầu EPC, các đơn vị thầu phụ trên toàn tuyến thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ GTVT và các quy định của pháp luật.

Từ giữa đến cuối năm 2015, các đoàn kiểm tra gồm: Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải và Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và có kết luận đều được Ban QLDAĐS chỉ đạo, điều chỉnh khắc phục các khiếm khuyết liên quan đến công tác sử dụng lao động và an toàn.

Ban QLDAĐS khẳng định, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông là dự án quan trọng, nhiều hạng mục thi công phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp, phạm vi thi công nằm trong các quận trung tâm, giao thông đông đúc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, Ban QLDAĐS luôn coi đây là công tác đặc biệt quan trọng, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của Tổng thầu, Tư vấn giám sát và các nhà thầu phụ.

Hiện nay, Dự án đang trong giai đoạn khẩn trương thực hiện nhằm sớm nhất đưa dự án vào vận hành khai thác càng đòi hỏi tập trung cao độ trong thực hiện, giám sát và quản lý của tất cả các bên tham gia dự án. Ban QLDAĐS cho biết sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Tư vấn giám sát, Tổng thầu EPC, các đơn vị thầu phụ và cam kết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) để đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trên công trường theo đúng quy định và chỉ đạo của Bộ GTVT.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư