Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Kinh doanh thuận lợi, đặt mục tiêu... không lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 3 năm thua lỗ liên tiếp do hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đặt mục tiêu cân bằng thu chi và không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong năm nay.
Một số đơn vị thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2023 Ảnh: Tường Lâm
Một số đơn vị thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2023 Ảnh: Tường Lâm

3 năm báo lỗ liên tiếp

Sau 2 năm 2020 - 2021 khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của VNR đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, VNR đạt 8.043,3 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 21,2% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách đạt 3.863,7 tỷ đồng, tăng 78,8%, đóng góp 48% vào cơ cấu doanh thu hợp nhất; doanh thu dịch vụ sửa chữa thường xuyên kết cấu hạ tầng, thông tin tín hiệu đường sắt đạt 2.749,2 tỷ đồng, tăng 18,9%.

Sự phục hồi của mảng vận tải hàng hóa và hành khách góp phần giúp biên lợi nhuận gộp hợp nhất của Tổng công ty đạt 8,45% trong năm 2022, tăng 6,65 điểm phần trăm so với năm 2021 và giúp lợi nhuận gộp thu về 679,5 tỷ đồng, gấp 5,7 lần kết quả thực hiện năm 2021.

Theo số liệu của VNR, trong năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tăng trưởng cả ở mảng vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Cụ thể, có 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% năm 2021; vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% năm 2021.

Mặc dù vậy, các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý đều tăng mạnh trong năm 2022 (chi phí nhân viên bán hàng 124,9 tỷ đồng, tăng 27,3%; chi phí nhân viên quản lý 292,85 tỷ đồng, tăng 22,1%) khiến VNR báo lỗ sau thuế 111,9 tỷ đồng (trong đó công ty mẹ lỗ sau thuế 146,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này đã giảm gần 81% so với năm 2021.

Như vậy, với kết quả thua lỗ trong năm 2022, VNR đã trải qua 3 năm thua lỗ liên tiếp. Trước đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, Tổng công ty lỗ sau thuế 1.300,7 tỷ đồng trong năm 2020 và 585,8 tỷ đồng trong năm 2021.

Mục tiêu cân bằng thu chi năm 2023

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt năm 2023 vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, trong khi chịu nhiều áp lực cạnh tranh.

Tổng công ty đặt mục tiêu tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, nghiên cứu phát triển thêm các dịch vụ để không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong năm 2023.

Thực tế từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh của ngành vận tải đường sắt được đánh giá có nhiều thuận lợi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách bằng đường sắt đạt gần 2,43 triệu lượt, tăng 198,13% so với cùng kỳ năm 2022 và luân chuyển đạt 913,6 triệu hành khách.km, tăng 210,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành vận tải. Vận chuyển hàng hóa cũng giữ vững đà tăng với 1,79 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển sau 5 tháng, tăng 71,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 1.455 triệu tấn.km, tăng 74,9%.

Trong bối cảnh đó, một số đơn vị thành viên của VNR đã công bố kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu tăng mạnh trong quý I/2023.

Chẳng hạn, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I đạt 630,1 tỷ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 18,3 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 lỗ 7,98 tỷ đồng. Doanh thu của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tăng 66,3% so với quý I/2022, đạt 491,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 26,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 553 triệu đồng)…

Mặc dù kết quả kinh doanh trên đà phục hồi nhưng nhìn chung 3 năm kinh doanh thua lỗ đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của Tổng công ty, dự kiến cần nhiều thời gian để có thể khôi phục về mức trước dịch.

Tính đến 31/12/2022, lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính hợp nhất của VNR lên tới 2.142 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 1.326 tỷ đồng, giảm 63% so với thời điểm cuối năm 2019. Theo báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ VNR, lỗ lũy kế đến cuối năm 2022 là 1.994,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 1.147 tỷ đồng, giảm 64,2% so với cuối năm 2019.

Chuyên đề