Tối ưu hóa hoạt động mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Datuk Kuljit Singh - Chủ tịch Hiệp hội các bệnh viện tư nhân Malaysia chia sẻ, hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đang tìm giải pháp tối ưu hoá hoạt động mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, để vừa đảm bảo chi phí hợp lý, vừa nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao cho người bệnh.
TS. Datuk Kuljit Singh - Chủ tịch Hiệp hội các bệnh viện tư nhân Malaysia

TS. Datuk Kuljit Singh - Chủ tịch Hiệp hội các bệnh viện tư nhân Malaysia

Thưa ông, xu hướng mua sắm công trong lĩnh vực y tế của các nước trên thế giới và trong khu vực đang diễn ra như thế nào?

Hiện nay, xu hướng mua sắm tập trung vào giá trị thay vì chỉ giá cả. Phương pháp mua sắm dựa trên giá trị là phương pháp tiếp cận toàn diện, được thiết kế để đánh giá, xác định thứ tự ưu tiên và tối ưu kết quả, điều chỉnh kết quả cho phù hợp với các mục tiêu chiến lược và phân bổ nguồn lực để tạo ra giá trị bền vững.

Áp dụng phương pháp mua sắm thuốc, thiết bị y tế dựa trên giá trị hiện được xem là một trong những giải pháp tốt nhất để đạt mục tiêu tối đa hoá giá trị chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Giá trị được tính là kết quả sức khoẻ trên một đơn vị chi phí, tức là xem xét tất cả các yếu tố trọn đời như thông số kỹ thuật, các loại hình dịch vụ… để vừa đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho người bệnh mà vẫn đảm bảo hệ thống y tế phát triển bền vững. Bởi vậy, việc đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ dựa trên giá trị, trong đó có phương pháp mua sắm thuốc, thiết bị y tế dựa trên giá trị, là xu hướng tất yếu, vì nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ không vô hạn.

Nhìn vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ trên thế giới cho thấy, việc chăm sóc sức khoẻ dựa trên giá trị tại các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa thực sự phát triển, hầu hết đều đang chập chững.

Malaysia tiếp cận với xu hướng mới nêu trên như thế nào?

Đối với Malaysia, việc mua sắm thuốc, thiết bị y tế dựa trên giá trị đã được thực hiện từ nhiều năm nay và Chính phủ Malaysia đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực chung trong hoạt động mua sắm chính phủ. Trong đấu thầu, nếu không có chuẩn mực để mua sắm thì các bệnh viện sẽ không thể biết mình mua được sản phẩm gì, chất lượng ra sao.

Đối với bất kỳ một loại thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế nào muốn được đưa vào sử dụng thì trước tiên phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép nhằm đảm bảo tính an toàn của thuốc, thiết bị đó cho sức khoẻ con người.

Để xác định giá trị của thiết bị y tế khi mua sắm phục vụ cho hệ thống y tế công, Chính phủ Malaysia có một cơ quan chuyên trách (HTA). Trước tiên, HTA sẽ xem xét giá trị công nghệ mới mang lại của thiết bị đó, đánh giá tác động lâm sàng, trải nghiệm của bệnh nhân, hiệu quả chi phí và tác động đối với cộng đồng.

Luật Đấu thầu năm 2023 định hướng đẩy mạnh việc mua sắm hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo kết quả đầu ra Ảnh: Lê Tiên

Luật Đấu thầu năm 2023 định hướng đẩy mạnh việc mua sắm hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo kết quả đầu ra Ảnh: Lê Tiên

Tiếp theo, HTA sắp xếp theo thứ tự ưu tiên được thiết lập trên ma trận ra quyết định như: thủ thuật số lượng lớn, thủ thuật chi phí lớn, thành phần có khả năng gây lãng phí cao; thủ thuật tương đối chuẩn hoá, điều kiện có tác động/tầm quan trọng đáng kể đối với sức khoẻ… để cân nhắc việc mua thuốc và thiết bị phù hợp, chẳng hạn mua thuốc biệt dược gốc hay thuốc generic… Chính phủ Malaysia đang xem xét chiến lược mua sắm đối với một số loại thuốc, thiết bị y tế cho cả khu vực y tế công và tư để mua được sản phẩm có giá trị cao nhất với chi phí thấp nhất.

Hiện nay, người dân Malaysia khám chữa bệnh tại bệnh viện công đang được Nhà nước tài trợ toàn bộ chi phí. Nhưng ngân sách nhà nước không thể chịu được gánh nặng chi phí ngày càng gia tăng. Chính phủ đang tính tới việc triển khai mô hình Nhà nước và người dân đồng chi trả khi khám chữa bệnh tại bệnh viện công trong thời gian tới, mức tự chi trả tuỳ theo chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Bên cạnh đó, Malaysia đang thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm y tế thương mại. Để cạnh tranh, các công ty bảo hiểm đưa ra nhiều gói dịch vụ khám chữa bệnh khác nhau tại các cơ sở y tế. Cơ chế thanh toán khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuỳ thuộc vào quy mô từng gói bảo hiểm mà người tham gia tự đóng hoặc do chủ doanh nghiệp đóng... Về cơ bản, cơ chế thanh toán được chia làm 3 nhóm, gồm: bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả; bệnh nhân có thẻ bảo hiểm tự chi trả, sau đó đề nghị công ty bảo hiểm thanh toán theo hoá đơn khám chữa bệnh; bệnh nhân có thẻ bảo hiểm không phải chi trả cho bệnh viện, mà bệnh viện cung cấp dịch vụ sẽ đề nghị công ty bảo hiểm thanh toán chi phí.

Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân?

Việt Nam đã ban hành Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó có định hướng đẩy mạnh việc mua sắm hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo kết quả đầu ra. Đây là một bước tiến lớn nhằm tái cấu trúc ngành y tế, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cho người dân với chi phí hợp lý.

Để cụ thể hoá định hướng này, Việt Nam còn nhiều việc phải làm như tổ chức thí điểm phương pháp mua sắm dựa trên giá trị tại một số cơ sở y tế, từ đó xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với từng hạng bệnh viện để triển khai đồng bộ trên cả nước… Việc mua sắm theo giá trị thay vì giá cả sẽ liên quan đến rất nhiều bên liên quan, do đó cần có đánh giá tác động cũng như chia sẻ hài hòa lợi ích của các bên để hướng đến mục tiêu tổng quát.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư