Tín dụng được khai thông, kinh tế tiếp đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực khởi sắc, thị trường bất động sản ấm lên là những lực đẩy chủ đạo giúp tăng trưởng tín dụng ghi nhận bước tiến đột phá trong tháng 6, góp phần tạo nên tăng trưởng GDP 6,42% trong nửa đầu năm 2024.
Mức tăng trưởng tín dụng 6% trong nửa đầu năm 2024 phản ánh diễn biến tích cực của hoạt động sản xuất, kinh doanh và cho thấy các giải pháp kích cầu của Chính phủ đã “ngấm” dần vào nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Mức tăng trưởng tín dụng 6% trong nửa đầu năm 2024 phản ánh diễn biến tích cực của hoạt động sản xuất, kinh doanh và cho thấy các giải pháp kích cầu của Chính phủ đã “ngấm” dần vào nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt trên 6,5%, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% là khả thi, nhưng cần kiểm soát chặt việc phân bổ vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Kinh tế khởi sắc, tín dụng khả quan

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6 đạt khoảng 6% so với cuối năm 2023. Chỉ riêng trong tháng 6, tổng nguồn vốn tín dụng vào nền kinh tế ước tính ở mức trên 480 nghìn tỷ đồng, cao hơn con số của cả 5 tháng đầu năm. Trước đó, đến ngày 20/5/2024, mức tăng tín dụng mới đạt 2,41%. Với chỉ báo tích cực về mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế và diễn biến kinh tế từ đầu năm đến nay, một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra với ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm là phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.

Theo giới phân tích, kết quả tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm phản ánh thực tế chuyển biến của nền kinh tế với sự khởi sắc đáng chú ý của một số lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, các chỉ báo về hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có chuyển biến tích cực, bao gồm: tổng trị giá xuất nhập khẩu tăng 16% (xuất khẩu tăng 14,9% và nhập khẩu tăng 17,3%), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Bên cạnh đó, xu hướng ấm lên của thị trường bất động sản cũng là một nguyên nhân làm tăng lượng vốn tín dụng giải ngân. Báo cáo của Bộ Xây dựng ngày 10/7 cho biết, lượng giao dịch bất động sản 6 tháng đầu năm nay bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023.

Số liệu tăng trưởng tín dụng qua các tháng của NHNN

Số liệu tăng trưởng tín dụng qua các tháng của NHNN

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá: “Tăng trưởng tín dụng chậm trong quý I/2024 và bắt đầu tăng tốc từ quý II/2024 nhờ chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế. Để thực hiện các hợp đồng kinh doanh đã ký và đón đầu cơ hội kinh doanh thời gian tới, nhiều doanh nghiệp mở rộng vay vốn ngân hàng. Mức tăng trưởng tín dụng 6% trong nửa đầu năm nay phản ánh diễn biến tích cực của hoạt động sản xuất, kinh doanh và cho thấy nhiều giải pháp kích cầu của Chính phủ đã “ngấm” dần vào nền kinh tế”. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang có một số dấu hiệu khả quan và sẽ còn chuyển biến tích cực trong thời gian tới khi 3 luật liên quan đến lĩnh vực này sắp có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024. Cùng với dự báo tăng trưởng kinh tế khả quan trong cả năm nay, ông Huân cho rằng, triển vọng tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt mục tiêu 14 - 15%.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sau đà tăng tín dụng thấp trong quý I, cùng với chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng, như: triển khai các gói vay ưu đãi cho một số nhóm đối tượng; giao chỉ tiêu đến từng chi nhánh, nhân viên. Nỗ lực này được hỗ trợ đáng kể từ chuyển biến tích cực của nền kinh tế để tổng hòa lại tạo nên kết quả đột phá trong tháng 6 và ghi nhận con số khả quan trong 6 tháng đầu năm nay.

Chú trọng kiểm soát rủi ro để tăng trưởng bền vững

Dựa trên đánh giá về diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nửa đầu năm nay, Nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% vào năm 2024 với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 6,3% - 6,5% cho cả năm. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi. Bên cạnh đó, bất động sản - nguồn tín dụng chủ yếu đã có một số dấu hiệu phục hồi tích cực, nhất là số thu thuế liên quan đến đất đai trong quý I/2024 tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ 2023. Mặt khác, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2024, tiếp nối đà tăng trong những tháng đầu năm.

Tương tự, Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VDSC cho rằng, tín dụng sẽ phục hồi mạnh dần về cuối năm. Trong đó, tín dụng bất động sản dù tăng trưởng không cao nhưng lĩnh vực bất động sản đang cho thấy sự phục hồi khá bền bỉ trong 3 quý liên tiếp vừa qua. Mặt khác, Quốc hội thông qua việc đưa các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản và ngân hàng có hiệu lực sớm là điểm nhấn đáng chú ý.

Từ góc độ các ngân hàng thương mại, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2024 cho biết, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước.

Về triển vọng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm nay, theo TS. Châu Đình Linh, đà tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay có thể tạo cú hích cho tốc độ giải ngân vốn tín dụng 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng như diễn biến kinh tế thế giới chưa phục hồi mạnh mẽ có thể khiến nhu cầu tăng cao trở lại trong thời gian ngắn song chưa bền vững, rủi ro nợ xấu gia tăng có thể khiến nhiều ngân hàng thận trọng giải ngân.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, trong môi trường lãi suất ở mức tương đối thấp như hiện nay, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chú trọng chính sách ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, cần kiểm soát chặt dòng chảy vốn vào các kênh rủi ro, góp phần đưa vốn đến các lĩnh vực trọng tâm, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Chuyên đề