Số DN thành lập mới nhiều, nhưng hơn 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ DN FDI. Ảnh: Tường Lâm |
Tại Hội thảo Tham gia chuỗi giá trị, cơ hội cho DNNVV, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức cuối tuần qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
DN nội và ngoại vẫn đi hai con đường
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay, Việt Nam đã có trên 16 mặt hàng xuất khẩu có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, hàng năm có hơn 100 nghìn DN thành lập. Tuy nhiên, đằng sau con số đáng khích lệ đó, “sức khỏe” của các DN vẫn còn nhiều vấn đề như: DN thành lập nhiều nhưng hơn 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ DN FDI, các DN trong nước xuất khẩu còn hạn chế; DN quy mô vừa chỉ khoảng 2%, còn lại chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ… Những con số này cho thấy cần phải hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh cho các DN.
Về tính liên kết lỏng lẻo giữa DN nội và DN ngoại trong chuỗi giá trị, ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo cho biết, đến nay, chúng ta đã manh nha có cụm liên kết ngành nhưng các cụm này vẫn dẫn dắt bởi các DN FDI, thiếu vắng sự tham gia của ngành công nghiệp hỗ trợ. Các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hình thành nhưng sự liên kết còn lỏng lẻo; DN trong nước có sự cạnh tranh mua - bán nhưng đối tượng hưởng lợi lại là DN nước ngoài…
“Bắt tay” liên kết tham gia chuỗi giá trị
Bà Nguyễn Bích Thủy, Phó Trưởng Phòng Chính sách thuộc Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV đã dành riêng một điều (Điều 19) về hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị với nhiều nội dung hỗ trợ. Đó là, đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Điều 20 của Luật cũng thiết kế theo hướng hỗ trợ chuyên sâu, Nhà nước sẽ tạo nguồn lực và hỗ trợ DN đào tạo chuyên sâu (trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất…) để DNNVV có thể đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi. “Tất cả những hỗ trợ này đều đã được hướng dẫn cụ thể tại nghị định hướng dẫn Luật”, bà Bích Thủy nhấn mạnh.
Quy định đã có, vấn đề thực thi ra sao? Theo một số chuyên gia, để các chính sách phát huy hiệu quả, cần sự chủ động từ cả hai phía: DNNVV cũng như các “ông lớn”.
Về hoạt động liên kết chuỗi giá trị của Tập đoàn TH với các DNNVV, ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐQT DN này chia sẻ, trong chuỗi giá trị, TH không bao giờ để các DNNVV đi tìm mình, mà ngược lại, TH sẽ đi tìm họ tham gia chuỗi giá trị của TH. Điều này thể hiện bằng việc, TH phải liên kết với nông hộ vùng nguyên liệu để cung cấp thêm nguồn nguyên liệu. Hoặc trong vận tải, kho bãi, TH không thể đầu tư hết được, mà cần sự liên kết với doanh nghiệp bên ngoài. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị của chuỗi, TH đặt ra các yêu cầu để các DNNVV tham gia các khâu cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt, từ đó đảm bảo, nâng chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa.
Dưới góc độ tài chính, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc phụ trách khối DNNVV của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, đây là những hỗ trợ thiết thực nhất để khối DN này nâng cao năng lực cạnh tranh. Bản thân ngân hàng này cũng đang triển khai chính sách ưu đãi hỗ trợ khối DNNVV với sản phẩm và mô hình kinh doanh chuyên biệt như dòng sản phẩm tín chấp với hạn mức tối đa là 3 tỷ đồng, cơ chế ưu đãi để DN tiếp cận vốn giá rẻ thông qua các dự án mà Ngân hàng hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế. OCB cũng rất quan tâm đến các DNNVV trong chuỗi giá trị với việc không chỉ hỗ trợ tài chính, mà còn hỗ trợ các giải pháp phi tài chính.