PVI Đông Đô cho rằng tiêu chí trong HSYC của Vnpost Logistics sẽ loại cả 3 DN bảo hiểm lớn nhất là Bảo Việt, PVI, Bảo Minh |
Đây là phản ánh của một nhà thầu liên quan đến gói thầu bảo hiểm do Công ty Vận chuyển và Kho vận bưu điện - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost Logistics) mời thầu.
6 lần mua HSYC bất thành
Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo hiểm tự nguyện phương tiện vận chuyển năm 2018 do Vnpost Logistics làm chủ đầu tư. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh trong nước, phát hành HSYC từ 9 giờ ngày 30/12/2017 đến 9 giờ ngày 9/1/2018 tại Phòng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) của Công ty.
Theo phản ánh của Công ty Bảo hiểm PVI Đông Đô - Tổng công ty Bảo hiểm PVI, nhân viên của Công ty đã đến địa chỉ của Bên mời thầu mua HSYC 6 lần nhưng không được.
Cụ thể, nhân viên của PVI Đông Đô đã đến mua HSYC vào sáng 30/12/2017, sáng 2/1/2018, chiều 2/1/2018, sáng 3/1/2018, chiều 3/1/2018, chiều 4/1/2018 nhưng đều không mua được HSYC. Lý do ngày 30/12 là Công ty nghỉ Tết Dương lịch không bán; các ngày còn lại, khi thì lãnh đạo Công ty đi họp đầu năm, cả Phòng KH&ĐT đi họp, lúc là cán bộ phụ trách bán HSYC của Phòng KH&ĐT đi họp, đi ra ngoài…
Bằng tất cả sự kiên nhẫn, đến chiều 5/1, nhân viên của PVI Đông Đô tiếp tục đến mua HSYC và lần thứ 7 này HSYC mới đến được tay Nhà thầu.
Cũng trong chiều ngày 5/1, sau khi nhận được phản ánh của Nhà thầu về 6 lần mua HSYC không được, Báo Đấu thầu đã liên lạc đến Phòng KH&ĐT của Vnpost Logistics để xác minh sự việc. Qua số máy cố định của Phòng, chúng tôi được chuyển máy đến một cán bộ xưng tên là Quang. Ông Quang cho biết, không rõ thông tin về việc có nhà thầu 6 lần đến mà không mua được HSYC và cần phải xác minh lại.
Sau khi xác minh, ông Quang phản hồi đúng là 30/12/2017, Công ty nghỉ Tết Dương lịch. Còn 4 lần nhà thầu đến mua HSYC trong ngày 2/1 và 3/1/2018, ông Quang cho biết đã xác minh trong Phòng và không ai biết sự việc này. Ông Quang cũng khẳng định chiều 2/1/2018, Phòng KH&ĐT đi họp, không giao ai trực bán HSYC.
Riêng chiều 4/1, ông Quang thừa nhận có việc nhà thầu đến mua HSYC, nhưng người trực bán đi ra ngoài và nhà thầu không chờ mua. Trong thời gian người trực bán đi ra ngoài, việc bán HSYC không được bàn giao cho người khác.
Khi phóng viên Báo Đấu thầu đặt câu hỏi, tại sao lại thông báo phát hành HSYC từ ngày 30/12/2017, là ngày Công ty nghỉ Tết Dương lịch, ông Quang không trả lời cụ thể. Cán bộ này chỉ cho biết, bình thường ngày thứ Bảy Công ty có đi làm, nhưng thứ Bảy ngày 30/12/2017, Công ty nghỉ Tết Dương lịch.
Trả lời câu hỏi của Báo Đấu thầu là việc bán HSYC gói thầu này được giao cho những ai, hay chỉ có 1 người phụ trách, ông Quang khi trả lời đó là việc chung của cả bộ phận, khi trả lời là chỉ giao cho 1 cán bộ.
Doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu chào thua
Có được HSYC trong tay, PVI Đông Đô tiếp tục kiến nghị Bên mời thầu làm rõ HSYC ở tiêu chí “tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc bảo hiểm phi nhân thọ hai năm liên tiếp 2015, 2016 > 15%”. Nhà thầu này cho rằng, theo số liệu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, tiêu chí này sẽ loại đi cả 3 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất trên thị trường hiện nay là Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, có thể hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu. PVI Đông Đô kiến nghị loại bỏ tiêu chí này hoặc thay đổi bằng tiêu chí khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Theo tìm hiểu, năm 2015, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là PVI với doanh thu đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 16,66% so với năm 2014; tiếp đến là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 5.934 tỷ đồng, tăng 4,97%; Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 2.845 tỷ đồng, tăng 9,46% so với năm 2014. Một số doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với năm 2014 như SGI (21,6 tỷ đồng, tăng 700,52%), VASS (1.286 tỷ đồng, tăng 177,98%), Phú Hưng (52 tỷ đồng, tăng 80,02%), VBI (488 tỷ đồng, tăng 76,83%).
Năm 2016, top 3 về doanh thu phí bảo hiểm gốc tiếp tục là PVI, Bảo Việt, Bảo Minh với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng tốc độ tăng trưởng so với năm 2015 đều dưới 9%. Những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc lớn trên 50% là những doanh nghiệp có doanh thu thấp như UIC (639 tỷ đồng, tăng 89,02%), Phú Hưng (90 tỷ đồng, tăng 72,61%), VNI (500 tỷ đồng, tăng 62,48%), BHV (200 tỷ đồng, tăng 54,34%), VBI (735 tỷ đồng, tăng 51,11%), Cathay (170 tỷ đồng, tăng 51,07%).
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, đưa ra tiêu chí tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc 2 năm 2015, 2016 > 15% như HSYC là không phù hợp. Đây không phải là tiêu chí phản ánh năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Những doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ, doanh thu thấp trong giai đoạn tăng trưởng nóng thường có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn, tuy nhiên nếu quy đổi ra số tuyệt đối thì giá trị lại rất nhỏ bé.
Chiều 8/1, phóng viên Báo Đấu thầu nhiều lần gọi điện đến số điện thoại của Phòng KH&ĐT của Vnpost Logistics để xác minh tiếp thông tin, một cán bộ của Phòng cho biết phải gặp ông Quang, vì ông Quang là người phụ trách gói thầu này, tuy nhiên ông Quang đang đi ra ngoài. Về phía PVI Đông Đô, đại diện doanh nghiệp này cho biết, do nhận được HSYC quá muộn, Nhà thầu kiến nghị gia hạn thời điểm đóng thầu từ 9 giờ ngày 9/1/2018 đến 9 giờ ngày 12/01/2017 để có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất.
Đến 17h30 ngày 8/1, Báo Đấu thầu nhận được thông tin từ Bên mời thầu cho biết sẽ gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 12/1/2018. Tuy nhiên, Bên mời thầu bảo lưu tiêu chí “Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc bảo hiểm phi nhân thọ hai năm liên tiếp 2015, 2016 > 15%” để bảo đảm lựa chọn được những nhà thầu có hoạt động kinh doanh bảo hiểm tốt, giảm sự rủi ro cho Bên mời thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng.