Tiết kiệm qua đấu thầu: Nhận diện địa phương TOP đầu và TOP cuối

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu thống kê của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, trên cùng một mặt bằng pháp lý, rất nhiều địa phương có số lượng lớn nhà thầu tham dự các gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm cao, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Ngược lại, nhiều địa phương có mức tiết kiệm thông qua đấu thầu rất thấp, tỷ lệ thuận với số lượng nhà thầu tham dự, gần như không có cạnh tranh.
Nguồn: Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Nguồn: Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Những mảng màu đối lập

Với chức năng thống kê, giám sát hoạt động đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cập nhật liên tục danh sách các địa phương có tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu qua mạng (ĐTQM) cao nhất, địa phương có tỷ lệ tiết kiệm trong ĐTQM thấp nhất, địa phương có số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp nhất… Các số liệu thống kê được Hệ thống tự động tổng hợp từ ngày 16/9/2022, phân tích từ số liệu do người dùng tự cung cấp trên Hệ thống.

Đến thời điểm 16 giờ 13 ngày 13/11/2024, TOP 5 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu qua mạng cao là: Đồng Tháp đạt tỷ lệ tiết kiệm 8,64%, Quảng Nam 7,59%, Khánh Hòa 7,51%, Cần Thơ 7,02%, Đà Nẵng 6,56%. Ở thời điểm giữa tháng 10, Trà Vinh cũng lọt vào TOP này.

Đối với lĩnh vực thường có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu hạn chế nhất là xây lắp, thì các địa phương TOP đầu cũng đạt mức tiết kiệm khá cao. Theo đó, Khánh Hòa đạt tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu lĩnh vực xây lắp là 8,23%, Đồng Tháp 7,32%, Quảng Nam 7,28%, Đà Nẵng 6,2%, An Giang 6,13%. Trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa, địa phương tiết kiệm cao nhất là Đồng Nai với mức 15,4%. Cà Mau dẫn đầu về tiết kiệm trong lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn với 24,52%. Tây Ninh đứng đầu về tiết kiệm trong lĩnh vực tư vấn với 18,47%...

Ở mảng màu đối lập, TOP 10 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm trong ĐTQM thấp gọi tên Hà Tĩnh (0,66%), Hà Nam (0,7%), Tuyên Quang (0,7%), Thanh Hóa (0,86%), Điện Biên (0,91%), Bắc Kạn (0,97%), Lào Cai (1,04%), Sơn La (1,1%), Nam Định (1,14%), Đắk Nông (1,15%).

Trong lĩnh vực xây lắp, tỷ lệ tiết kiệm của 10 địa phương nêu trên đều dưới 0,7%, gồm Lào Cai 0,33%, Hà Tĩnh 0,36%, Thanh Hóa 0,38%, Tuyên Quang 0,39%, Điện Biên 0,39%, Bắc Kạn 0,4%, Hà Nam 0,45%, Sơn La 0,55%, Đắk Nông 0,56%, Nghệ An 0,63%.

Mối liên quan giữa cạnh tranh và tiết kiệm

Điểm trùng hợp là nhiều địa phương trong TOP 10 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm thấp sau ĐTQM cũng nằm trong TOP 10 địa phương có số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp. Hà Nam dẫn đầu TOP 10 địa phương có số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp với 1,19 nhà thầu/gói thầu, Sơn La là 1,22, Hưng Yên 1,26, Điện Biên 1,3, Nghệ An 1,32.

Ngược lại, nhiều địa phương có tỷ lệ tiết kiệm cao xét về tổng số hoặc trong từng lĩnh vực thì số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu cũng trong TOP cao. Theo số liệu do Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổng hợp, Đồng Tháp có trung bình 3,6 nhà thầu/gói thầu, Cần Thơ là 3,65, Quảng Nam 3,26, Trà Vinh 4,25, Bạc Liêu 4,5, Đà Nẵng 4,12, Kiên Giang 3,96, Bến Tre 3,83, TP.HCM 3,56, Hậu Giang 3,25, tiếp theo là Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Long An…

Theo một chuyên gia đấu thầu, những số liệu trên cho thấy, cùng trên một nền tảng pháp lý nhưng thực tiễn đấu thầu ở các địa phương rất khác nhau. Nhiều địa phương số lượng nhà thầu tham gia nhiều, tiết kiệm cao qua đấu thầu. Ngược lại, nhiều địa phương gần như không có cạnh tranh trong đấu thầu khi rất nhiều gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, tiết kiệm qua đấu thầu không đáng kể. Điều này cho thấy công tác tổ chức thực hiện và các yếu tố liên quan đến quá trình thực thi chính sách có vai trò quan trọng đảm bảo hiệu quả triển khai pháp luật về đấu thầu. Bên cạnh đó, cũng có thể do một số yếu tố tác động như vùng miền, vị trí địa lý, mức độ phát triển kinh tế, môi trường đầu tư của địa phương…

Từ thực tế đấu thầu, một số nhà thầu chia sẻ, hiện nay dù ĐTQM nhưng cùng lĩnh vực, nhất là cùng địa phương, nhà thầu thường phân chia ngầm thị trường. Khi quyết định tham gia đấu thầu, nhất là ở địa bàn không quen thuộc, nhà thầu phải xem xét rất kỹ về quan hệ ở địa phương, bên mời thầu, chủ đầu tư, nhà thầu “ruột”… để cân nhắc tham gia đấu thầu, đồng thời tính việc đảm bảo quá trình triển khai thực hiện gói thầu thuận lợi, hiệu quả.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, nhân tố quan trọng nhất để tăng cạnh tranh, hiệu quả trong đấu thầu vẫn là ở người thực hiện, nhất là chủ đầu tư, bên mời thầu. Ông Tăng kỳ vọng, thời gian tới khi áp dụng chào giá trực tuyến đối với một số trường hợp sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, hiệu quả trong đấu thầu.

Chuyên đề