Tiếp tục gỡ rào cản hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai năm thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã ghi nhận một số kết quả nhất định, nhưng theo nhiều ý kiến, vẫn còn những khó khăn cản bước doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Cần sớm gỡ điểm nghẽn và có thêm nhiều giải pháp để hướng tới mục tiêu thu hút hiệu quả dòng vốn tư nhân chung tay đầu tư hạ tầng quốc gia, tránh tình trạng Luật PPP thì mở nhưng chính sách khác vẫn đóng.
Dự án PPP hầu hết tập trung trong lĩnh vực giao thông, chưa được triển khai nhiều trong các lĩnh vực khác. Ảnh: Lê Tiên
Dự án PPP hầu hết tập trung trong lĩnh vực giao thông, chưa được triển khai nhiều trong các lĩnh vực khác. Ảnh: Lê Tiên

Nguồn vốn tư nhân tiếp tục đóng góp lớn cho phát triển hạ tầng

Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng hợp từ 86 bộ, ngành, địa phương, từ thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành (1/1/2021) đến tháng 11/2022, có 8 dự án PPP mới được thực hiện theo quy định của Luật PPP và 139 dự án PPP chuyển tiếp (không bao gồm dự án BT).

Trong 8 dự án PPP mới, có 7 dự án trong lĩnh vực giao thông áp dụng loại hợp đồng BOT, 1 dự án trong lĩnh vực cung cấp nước sạch áp dụng loại hợp đồng BLT. Các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm, quy mô quốc gia, địa phương, tổng mức đầu tư khoảng 131.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn công được dự kiến sẽ hình thành 253 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II. Thông qua các dự án này, dự kiến huy động hơn 58.574 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân.

Trong số 139 dự án PPP chuyển tiếp, phần lớn thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và năng lượng. Trong đó, 111 dự án thực hiện theo hợp đồng BOT; 9 dự án áp dụng hợp đồng BOO; 11 dự án áp dụng hợp đồng BLT, BTL; 8 dự án theo hợp đồng O&M. Có 109/139 dự án đã ký kết hợp đồng với tổng mức đầu tư là 646.152 tỷ đồng, qua đó, huy động được 554.714 tỷ đồng vốn tư nhân. Các dự án còn lại đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư hoặc đàm phán hợp đồng, với tổng mức đầu tư 145.215 tỷ đồng, dự kiến huy động 120.185 tỷ đồng vốn tư nhân.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư lớn đánh giá cao những quy định của Luật PPP và khẳng định, đây là mô hình cần đẩy mạnh áp dụng để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng quốc gia, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải dồn nguồn lực cho nhiều nhiệm vụ phát sinh sau tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế.

Thông điểm nghẽn, mở đường hút vốn

Theo Bộ KH&ĐT, số lượng dự án mới được triển khai theo Luật PPP còn hạn chế, đa phần là dự án chuyển tiếp. Dự án hầu hết tập trung trong lĩnh vực giao thông, chưa được triển khai nhiều trong các lĩnh vực khác. Một số dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực giao thông, năng lượng phát sinh vướng mắc nhưng chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, lưu lượng xe có xu hướng giảm mạnh, sức ép giảm giá, phí dịch vụ đường bộ ảnh hưởng tiêu cực tới triển khai các dự án BOT đang vận hành. Đồng thời, tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn cũng làm suy giảm nguồn lực của các nhà đầu tư muốn tham gia vào các dự án mới. Nhiều dự án được thực hiện trong giai đoạn trước không thực sự khả thi, dẫn đến tình trạng nợ xấu của các dự án BOT, BT, khiến nguồn tín dụng dành cho các dự án áp dụng các loại hợp đồng này ngày càng hạn chế…

Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu giải ngân cấp bách vốn đầu tư công nhằm phục hồi kinh tế, một số dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP đã được xem xét chuyển sang đầu tư công hoàn toàn, dẫn đến giảm số lượng dự án PPP được triển khai.

Để thúc đẩy thu hút tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng, Bộ KH&ĐT đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về PPP, trong đó cần khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn việc thực hiện dự án PPP trong các lĩnh vực, đồng thời rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các nghị định và thông tư liên quan tới việc thực hiện dự án PPP. Xử lý dứt điểm những vướng mắc đối với dự án PPP đã được thực hiện trong giai đoạn trước, đặc biệt là dự án BOT giao thông. Cần ưu tiên bố trí nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu, lựa chọn và triển khai hiệu quả dự án PPP mới, đồng thời tạo các kênh huy động vốn khác bên cạnh nguồn vốn tín dụng. Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp thu hút các quỹ tài chính quốc tế, nguồn vốn quốc tế tham gia thực hiện dự án PPP.

Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công theo hướng ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, tài sản công, chi thường xuyên để thanh toán dịch vụ cung cấp theo các loại hợp đồng của phương thức đầu tư PPP, tham gia các dự án PPP tiềm năng và hình thành dòng ngân sách riêng hoặc quỹ để thực hiện nghĩa vụ dự phòng của Nhà nước...

Chuyên đề