Tiền Giang: Hàng loạt sai phạm trong đấu thầu bị phanh phui (Kỳ 2)

(BĐT) - Trong lĩnh vực đấu thầu thuốc và vật tư y tế, liên tiếp nhiều năm liền, tỉnh Tiền Giang đã có những cách làm bất hợp lý, gây lãng phí đã được Thanh tra Chính phủ nêu ra qua thanh tra.
Sở Y tế Tiền Giang tự chọn đơn giá kế hoạch bổ sung cao hơn giá bỏ thầu lần đầu. Ảnh: LTT
Sở Y tế Tiền Giang tự chọn đơn giá kế hoạch bổ sung cao hơn giá bỏ thầu lần đầu. Ảnh: LTT

Bất hợp lý trong tổ chức đấu thầu

Khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra xác suất hồ sơ về tính minh bạch, công khai trong đấu thầu mua thuốc năm 2014 của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang thì những bất hợp lý trong việc tổ chức đấu thầu đã bị phanh phui.

Cụ thể, khi tổ chức đấu thầu lần đầu, có nhiều mặt hàng không có đơn vị nào trúng thầu, do giá dự thầu cao hơn đơn giá kế hoạch. Sau đó, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã trình lên UBND tỉnh Tiền Giang xin được tổ chức đấu thầu bổ sung. Điều đáng nói ở đây, đơn giá kế hoạch lần này lại cao hơn nhiều so với giá bỏ thầu lần đầu của một số đơn vị.

Theo giải trình của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Sở đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn phương pháp xác định giá kế hoạch cho lần đấu thầu bổ sung. Tuy nhiên, do Bộ Y tế không có hướng dẫn chi tiết nên Sở Y tế tỉnh Tiền Giang tự chọn đơn giá kế hoạch bổ sung.

Chỉ một việc làm “trời ơi” này nhưng đã dẫn đến nhiều hệ lụy, khi nhiều đơn vị có giá bỏ thầu lần đầu thấp hơn giá kế hoạch bổ sung lần hai, nhưng lại không trúng thầu, tạo ra sự bất hợp lý và vô cùng lãng phí.

Dẫn chứng như thuốc Acarbose 100mg, đơn giá kế hoạch lần đầu là 1.260 đồng, đơn giá trong kế hoạch lần hai là 1.890 đồng. Kết quả, tuy có hai đơn vị dự thầu lần đầu có giá dự thầu thấp hơn giá kế hoạch lần hai nhưng tất cả đều không trúng thầu. Thật là khó hiểu.

Phân năm chia bảy, tất thảy đều trật

Thanh tra Chính phủ cho biết, không chỉ riêng năm 2014, trong kế hoạch đấu thầu trang thiết bị y tế cũng như mua thuốc chữa bệnh và vật tư tiêu hao năm 2012 và 2013, tỉnh Tiền Giang cũng đã vận dụng những cách làm mà khi đối chiếu lại thì tất thảy đều không trúng so với bất kỳ một quy định nào.

Cụ thể, việc phân chia gói thầu các mặt hàng thuốc chữa bệnh theo tên Generic được Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phân chia theo 7 khu vực sản xuất. Trong đó có các khu vực đầy “sáng kiến” như: tương đương Việt Nam, tương đương Châu Á, tương đương Việt Nam liên doanh Châu Á...

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, việc phân chia trên là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 5, Điều 12, Luật Đấu thầu 2005; Điểm 3, Mục II, Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10/8/2007 của Liên bộ Y tế và Tài chính về việc hướng dẫn đầu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập.

Chính điều này đã dẫn đến việc trong cùng một gói thầu, cùng một mặt hàng thuốc chữa bệnh, có tác dụng điều trị tương đương nhưng do có xuất xứ khác nhau (tương đương Châu Á và tương đương Việt Nam), nên có giá trúng thầu chênh lệch nhau.

Minh chứng như, cùng một mặt hàng thuốc Cefaclor hàm lượng 250mg nhưng thuốc trúng thầu sản xuất tại Ấn Độ, tức tương đương Châu Á, là 2.898 đồng/viên, trong khi giá trúng thầu của thuốc sản xuất tại Việt Nam là 1.705 đồng/viên.

Hoặc, cũng mặt hàng thuốc Cefaclor hàm lượng 250mg do Việt Nam sản xuất nhưng do tiêu chí phân chia gói thầu nên giá thuốc trúng thầu cũng có sự chênh lệch giữa thuốc do các công ty liên doanh sản xuất (giá 3.200 đồng/viên) và giá thuốc do công ty Việt Nam tự sản xuất (1.705 đồng/viên).

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra kết luận: Việc xác định giá gói thầu đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh ở tỉnh Tiền Giang còn nhiều vấn đề bất hợp lý. Cụ thể, giá kế hoạch năm 2012 được xác định bằng cách lấy giá tham khảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, sau đó nhân với hệ số trượt giá 9% là chưa đủ cơ sở.

Chuyên đề