Thực hiện dự án sử dụng đất năm 2020: Thu hút nguồn lực lớn phát triển địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, cả nước triển khai 299 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 344.179 tỷ đồng, tăng 2,1 lần về vốn đầu tư huy động so với năm 2019. Ngoài việc huy động được nguồn lực đầu tư lớn, có thể nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong phương thức thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Năm 2020, cả nước có 82 dự án đầu tư có sử dụng đất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2020, cả nước có 82 dự án đầu tư có sử dụng đất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 299 dự án đầu tư có sử dụng đất triển khai năm 2020 có 234 dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và 65 dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Trong đó, có 113 dự án sử dụng đất đã ký hợp đồng (chiếm 38%), 186 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư (chiếm 62%).

Năm 2020, cả nước có 227 dự án đầu tư có sử dụng đất đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, 82 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi (chiếm 27,4%) với tổng mức đầu tư khoảng 70.891 tỷ đồng (chiếm 20,6%); 131 dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư (chiếm 43,8%) với tổng mức đầu tư khoảng 138.300 tỷ đồng (chiếm 40,2%). Các dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đều thuộc trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển, do đó thuộc trường hợp chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Một số địa phương có số dự án áp dụng chỉ định nhà đầu tư cao như: Hưng Yên (10/10 dự án), Phú Yên (4/4 dự án), Bắc Kạn (3/3 dự án), Yên Bái (2/2 dự án), Quảng Bình (10/11 dự án), Hải Dương (15/17 dự án), Hòa Bình (13/16 dự án), Bắc Ninh (10/13 dự án), Hà Tĩnh (5/6 dự án), Ninh Bình (3/4 dự án), Bình Định (6/8 dự án), Thái Nguyên (4/5 dự án), Vĩnh Phúc (5/8 dự án).

Ngoài ra, năm 2020, cả nước có 14 dự án áp dụng thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP do chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện. Số lượng các dự án này chiếm 4,7% tổng số dự án sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 15.388 tỷ đồng (chiếm 4,47%). Một số địa phương có tỷ lệ áp dụng thủ tục quyết định chủ trương đầu tư cao như: Bắc Giang (8/8 dự án), Phú Thọ (3/8 dự án).

Như vậy, tính gộp tỷ lệ chỉ định nhà đầu tư và áp dụng thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trong năm 2020 là 48,4%, giảm đáng kể so với năm 2019 (62% dự án đầu tư có sử dụng đất áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư).

72 dự án còn lại (chiếm 24%) với tổng mức đầu tư khoảng 89.113 tỷ đồng (chiếm 35,3%) mới ở bước công bố danh mục dự án hoặc đang trong quá trình sơ tuyển nên chưa xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư,

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2020, thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án sử dụng đất đã góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Mặc dù tổng số dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2020 giảm 75 dự án so với năm 2019 nhưng tổng vốn đầu tư huy động thông qua các dự án này tăng gấp 2,1 lần so với năm 2019 (năm 2019 có 374 dự án sử dụng đất với tổng mức đầu tư 158.950 tỷ đồng). Như vậy, đã có sự chuyển biến trong phương thức thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Các bộ, ngành, địa phương triển khai những dự án có quy mô lớn, mang tính đồng bộ, tổng thể thay vì chia nhỏ dự án và phải thực hiện nhiều quy trình thủ tục cho các dự án nhỏ riêng rẽ.

Theo các chuyên gia, nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất áp dụng quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP nên đã chặt chẽ hơn, nhất là các quy định về trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm. Các quy định mới bước đầu phát huy hiệu quả, tránh tình trạng đấu thầu hình thức để lợi dụng chỉ định nhà đầu tư.

Chuyên đề